THỰC HƯ QUAN NIỆM DÂN GIAN VỀ MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM NÊN VÀ KHÔNG NÊN ĂN KHI MANG THAI
Ngày 29/03/2019
Tất cả thai phụ đều mong muốn có một thai kỳ thuận lợi, khỏe mạnh và đứa con chào đời lanh lợi, phát triển tốt. Ngày nay, khi đời sống ở Việt Nam đã được cải thiện hơn, nhiều thai phụ đã rất tích cực trong việc tìm hiểu chế độ dinh dưỡng khoa học, thực hiện theo thực đơn mà bác sĩ khuyến nghị. Tuy nhiên, không ít người vẫn bị lung lay bởi những lời đồn đại từ thời xa xưa để giúp “vượt cạn” an toàn và con sinh ra kháu khỉnh, thông minh.
1. Trứng ngỗng
Tương truyền rằng mẹ bầu ăn trứng ngỗng sẽ giúp con thông minh, khỏe mạnh. Dân gian ngày xưa mách nhỏ nhau bí quyết ăn trứng ngỗng giúp trừ tà ma cho em bé trong bụng vì ma quỷ sợ tiếng kêu của loài ngỗng. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều bà mẹ còn cho rằng trứng ngỗng giúp hình thành giới tính của thai nhi, nếu muốn sinh con trai thì ăn 7 quả trứng ngỗng và muốn sinh con gái thì ăn 9 quả. Vì vậy, hầu như bà bầu nào cũng cố ăn ít nhất một quả trứng ngỗng cho dù khó ăn thế nào đi chăng nữa, có những người còn ăn rất nhiều vì tin rằng càng ăn nhiều con càng thông minh, lanh lợi.
Vậy theo khoa học thì tác dụng đích thực của trứng ngỗng trong thai kỳ là gì?
Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể xác nhận thông tin ăn trứng ngỗng con sẽ thông minh. Theo các nhà khoa học thì sự lanh lợi, thông minh, nhạy bén của một đứa trẻ còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như gen di truyền, cấu trúc não, môi trường sống, sự giáo dục và học hỏi… Để rõ hơn, hãy xét đến các thành phần dinh dưỡng trong trứng ngỗng. Giá trị dinh dưỡng trong 100g trứng ngỗng bao gồm 13g protein; 14,2 g lipid; 360 mcg vitamin A; 71 mg canxi; 210 mg phosphor; 3,2 mg sắt; 0,15 mg vitamin B1; 0,3 mg vitamin B2; 0,1 mg vitamin PP…So với hàm lượng các chất dinh dưỡng trong 100g trứng gà thì trứng ngỗng có tỉ lệ protein, vitamin A thấp hơn. Ngoài ra, hàm lượng cholesterol và lipid trong trứng ngỗng cao. Đây là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch của thai phụ bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp… Khi so sánh với hàm lượng dinh dưỡng chất béo và chất đạm trong trứng cút thì trứng ngỗng còn thua xa.
Như vậy, trên thực tế trứng ngỗng không có công năng thần diệu giúp bé thông minh, lanh lợi. Tuy nhiên xét về khía cạnh dinh dưỡng, mẹ bầu vẫn có thể xem đó là một nguồn cung cấp protein, và cũng có thể ăn trứng gà thay trứng ngỗng. Ngoài ra con người luôn đấu tranh giữa duy tâm và duy vật cho nên nếu cảm thấy không an tâm hay muốn làm hài lòng bố mẹ thì các mẹ bầu có thể ăn trứng ngỗng hàm lượng hợp lí và nhớ bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để em bé phát triển khỏe mạnh.
2. Cá chép
Theo kinh nghiệm dân gian truyền tai nhau thì món cá chép cũng là một món ăn không thể thiếu trong thực đơn của mẹ bầu bởi cá chép giúp an thai và giúp em bé sau này thông minh, da trắng, môi đỏ. Hơn nữa, nhiều người còn tin rằng nếu muốn sinh con gái thì hãy ăn cá chép thật nhiều. Tuy nhiên, thực hư những công dụng của cá chép như thế nào thì chắc hẳn nhiều mẹ bầu vẫn còn băn khoăn.
Khoa học nghiên cứu cho thấy trong thịt cá chép có chứa nhiều dưỡng chất như axit lutamic, glycine, chất béo, arginine. Ngoài ra cá chép cũng chứa protein, tùy theo thay đổi thời tiết, môi trường sống mà hàm lượng protetin trong thịt cá chép có sự khác nhau. Hàm lượng protetin trong cá chép dồi dào nhất là vào mùa hè, còn vào vào mùa đông, hàm lượng protein và acid amin trong cá chép giảm một chút.
Như vậy, cá chép là một nguồn thực phẩm rất tốt cho phụ nữ mang thai, bà bầu có thể ăn cá chép để bổ sung thêm nhiều dưỡng chất đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên về tác dụng ăn cá chép giúp con sau này thông minh, da trắng, môi đỏ và tác dụng quy định giới tính thai nhi thì vẫn chỉ là lời đồn đại, chưa có bằng chứng khoa học kiểm chứng.
3. Trứng vịt lộn
Có rất nhiều lời đồn thổi xung quanh thông tin bà bầu ăn trứng vịt lộn sẽ giúp con sinh ra chân dài, da trắng, nhiều tóc hay con sinh ra có nguy cơ cao bị hen.
Trên thực tế, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định tính chính xác của những lời đồn đại về các công dụng thần kỳ của trứng vịt lộn.Tuy nhiên trứng vịt lộn vẫn là một món ăn giàu dinh dưỡng, được xem là một bài thuốc bổ dành cho người bị suy nhược cơ thể, còi cọc… Trong trứng vịt lộn có chứa calo, protein, lipit, canxi, photpho, sắt…Ngoài ra trứng vịt lộn còn chứa nhiều loại vitamin như vitamin A, B,C…rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy, các mẹ bầu vẫn có thể ăn trứng vịt lộn để cung cấp đầy đủ dưỡng chất trong thai kỳ và cần chú ý ăn với hàm lượng thích hợp vì đây là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, có hàm lượng đạm cao, ăn nhiều sẽ gây ra chứng chậm tiêu, tăng cholesterol. Đặc biệt những bà bầu bị tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao thì nên kiêng khem loại trứng vịt lộn vì có thể gây tắc nghẽn động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Khi thêm trứng vịt lộn vào thực đơn của mình, mẹ bầu cần chú ý không ăn quá nhiều, và không nên ăn cùng lúc. Các nhà khoa học cho rằng mỗi tuần chỉ nên ăn 2 quả trứng vịt lộn là đủ. Ngoài ra do hàm lượng đạm trong trứng vịt lộn khá cao nên các mẹ bầu không nên ăn vào buổi tối sẽ gây khó tiêu, đầy hơi. Và đặc biệt cần phải luộc chín kỹ trước khi ăn.
4. Ổi
Dân gian truyền tai nhau rằng khi mang thai nếu ăn ổi thì con sinh ra sẽ bị trốc ghẻ. Ngoài ra nhiều người còn tin mẹ bầu ăn ổi sẽ bị nóng trong người và táo bón. Trên thực tế, chưa có một bằng chứng khoa học nào chỉ ra rằng phụ nữ mang thai ăn ổi sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc da của em bé sau sinh. Hơn nữa, ổi còn là một loại trái cây mang lại rất nhiều tác dụng đối với mẹ bầu, bao gồm:
- Ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ: Ăn ổi giúp cân bằng và duy trì lượng đường ổn định trong máu nên giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ cho mẹ bầu.
- Giữ huyết áp ổn định: Trong quả ổi có nhiều dưỡng chất giúp kiểm soát huyết áp rất tốt cho mẹ bầu. Từ đó cũng hạn chế nguy cơ sinh non cũng như sẩy thai do huyết áp cao.
- Phòng ngừa bệnh ung thư:Trong ổi có chứa lycopene và chất chống oxy hóa giúp phòng bệnh ung thư.
- Giảm nguy cơ thiếu máu:Trong ổi có chứa những dưỡng chất thiết yếu giúp tăng nồng độ hemoglobin trong máu nên giúp giảm tình trạng thiếu máu trong cơ thể.
- Cải thiện hệ thống miễn dịch: hàm lượng axit ascorbic, vitamin C rất dồi dào trong quả ổi. Những dưỡng chất này giúp cải thiện hệ miễn dịch và phòng ngừa những chứng bệnh thường gặp trong thai kỳ chẳng hạn như đau răng, chảy máu chân răng, viêm loét…
- Trị chứng táo bón: Ăn ổi xanh rất dễ bị táo bón, tuy nhiên ổi chín rất giàu chất xơ do đó giúp ngăn ngừa táo bón trong thai kỳ.
- Trị tiêu chảy: Trong quả ổi có chất làm se là hợp chất có thể làm co rút các thành phần khác trong cơ thể nên điều trị rất tốt tiêu chảy. Hơn nữa, trong ổi có hợp chất kiềm nên giúp phòng ngừa các loại vi khuẩn phát triển. Quả ổi cũng có tác dụng hỗ trợ chữa lành các trường hợp bị viêm dạ dày vì trong ổi chứa các chất carotenoids, vitamin C và potassium.
- Thư giãn dây thần kinh: Dây thần kinh và cơ bắp mẹ bầu sẽ được thư giãn nhờ thành phần Magnesium trong ổi.
- Hỗ trợ sự phát triển thần kinh thai nhi: Trong ổi có chứa lượng axit folic và vitamin B9 – rất quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.
Ổi mang lại rất nhiều lợi ích cho bà bầu, tuy nhiên bà bầu không nên quá lạm dụng ổi. Cần chú ý đến giống ổi khi ăn vì tính “nóng-mát” của ổi lại phụ thuộc vào đặc điểm này. Loại ổi Thái, ổi xá lị không hạt nhiều nước, ít ngọt, mát, nhưng nếu ăn cả vỏ sẽ có nguy cơ bị táo bón. Còn loại ổi mang tính nóng đó là ổi sẻ, mẹ bầu không nên ăn nhiều. Như vậy, mẹ bầu nên chọn lựa kỹ càng loại ổi thích hợp và không nên ăn quá nhiều, không ăn cả vỏ. Ăn quá nhiều ổi trong thai kỳ thì hạt ổi có thể khiến bà bầu mắc phải chứng khó tiêu và có nguy cơ vướng vào ruột thừa dẫn đến viêm ruột thừa.
5. Thịt thỏ
Dân gian lưu truyền rằng mẹ bầu không nên ăn thịt thò vì loài thỏ bị hở môi trên nên nếu mẹ bầu ăn thịt loài này thì con sinh ra sẽ bị sứt môi. Vậy thông tin này liệu có chính xác hay không?
Trước hết, xét về khía cạnh khoa học thì nguyên nhân gây nên tật sứt môi là do những rối loạn sinh học, người mẹ dùng thuốc an thần và thần kinh trong thai kỳ. Do đó, thịt thỏ không phải là nguyên nhân khiến trẻ sinh ra bị sứt môi. Tuy nhiên, thịt thỏ có tính hàn nên mẹ bầu không nên ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ và thai nhi.
6. Ốc
Nhiều bà mẹ nghe phong phanh rằng nếu mang thai mà ăn ốc thì con sinh ra sẽ bị chảy nước dãi, chốc ghẻ. Tuy nhiên, ốc là nguồn thực phẩm có chứa nhiều dinh dưỡng có lợi cho mẹ bầu nên mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn ốc trong thai kỳ. Mặc dù vậy, ốc có tính hàn và sống trong môi trường sông nước dễ có ký sinh trùng nên nếu ăn ốc cũng có thể khiến người mẹ có nguy cơ bị bệnh giun cao hơn trong thai kỳ. Do đó, các mẹ bầu nếu thèm ăn thì cần chú ý khi ăn phải nấu chín kỹ và nên ăn kèm với những gia vị có tính nóng như gừng, sả…
7. Nước dừa
Kinh nghiệm dân gian cho rằng trong thai kỳ các bà mẹ nên uống nhiều nước dừa để con sinh ra da trắng, hồng hào, xinh xắn. Bên cạnh đó theo quan niệm Đông Y thì nước dừa mang tính “hàn”, mẹ bầu không nên uống vì sẽ có nguy cơ cao bị động thai. Những luồng thông tin này khiến các mẹ bầu băn khoăn không biết mình có nên uống nước dừa trong thai kỳ hay không.
Theo khoa học nghiên cứu thì trong nước dừa có chứa nhiều khoáng chất bổ dưỡng, có chứa hàm lượng lớn kali, clorua, magiê và chất điện giải. Ngoài ra còn có chất xơ, riboflavin, vitamin C và lượng vừa phải của đường, natri và protein. Những vitamin và khoáng chất này đem lại những công dụng cho phụ nữ mang thai chẳng hạn như giảm ốm nghén, tăng cường khả năng miễn dịch, điều chỉnh huyết áp, duy trì sức khỏe mẹ và bé.
Nhiều mẹ bầu còn lầm tưởng càng uống nhiều nước dừa thì da dẻ con mình sau này càng trắng trẻo. Quan niệm này là sai vì trên thực tế nước dừa mang tính hàn nên uống nhiều nước dừa một lúc vì có thể khiến mẹ bầu bị lạnh bụng. Ít nhất sau 3 tháng đầu, mẹ bầu hẵng nên uống nước dừa và chỉ nên uống tối đa một quả một ngày. Để hấp thụ tốt các dưỡng chất chứa trong nước dừa thì mẹ bầu nên mua nguyên quả để đảm bảo vệ sinh và không bị pha thêm hóa chất. Hơn nữa, không nên uống nước dừa cùng với đá lạnh và sau khi tập thể dục, cảm thấy nóng bức hoặc mệt mỏi vì dễ gây cảm đột ngột. Tốt hơn hết trước khi tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm nào thì các bà mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước vì tùy thuộc vào cơ địa mỗi người mà các loại thức ăn, nước uống sẽ mang lại những công dụng cũng như các tác dụng phụ khác nhau.
8. Cà
Nhiều người truyền tai nhau nếu mang thai mà ăn cà thì con dễ bị cà lăm. Vì lý do đó mà nhiều bà mẹ hạn chế ăn loại thực phẩm này. Các mẹ bầu cần hiểu rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh ăn cà sẽ bị cà lăm. Tuy nhiên, khi mang thai, người mẹ cũng không nên ăn nhiều cà vì cà là loại thực phẩm cung cấp cho cơ thể rất ít dinh dưỡng, hơn nữa trong cà còn chứa một số chất gây hại cho cơ thể.
9. Thực phẩm cay
Dân gian tương truyền phụ nữ mang thai nếu chăm ăn thực phẩm cay thì con sinh ra sẽ có môi đỏ. Tuy nhiên trên thực tế những loại gia vị cay như hoa hồi, quế chi, hạt tiêu, ngũ vị hương, ớt… là những món gia vị có tính nóng, không hề tốt cho phụ nữ mang thai. Thông thường, khi mang thai bà bầu có thân nhiệt cao hơn bình thường và đường ruột cũng khô hơn. Do đó, những gia vị có tính nóng sẽ kích thích làm tiêu hao nước trong ruột, khiến dạ dày và ruột giảm tiết dịch, gây chứng táo bón. Còn về thông tin ăn nhiều thực phẩm cay sẽ giúp con có môi đỏ thì chưa được khoa học kiểm chứng.
Như vậy, phụ nữ mang thai tốt hơn hết nên hạn chế ăn các loại thực phẩm cay nóng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi.
10. Rau húng quế
Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại, mẹ bầu nên uống 1-2 cốc nước ép húng quế vào mỗi tháng để sinh đẻ thuận lợi, dễ dàng hơn.
Trên thực tế, mặc dù rau húng quế cũng mang lại những tác dụng nhất định như để giải cảm, cho ra mồ hôi, trị đau dạ dày, ăn không tiêu, thông tiểu tiện. Tuy nhiên, do thuộc nhóm thuốc hành khí, hoạt huyết nên không dùng đối với phụ nữ mang thai vì có thể gây động thai.
Những quan niệm trên mặc dù có những điều đã được khoa học chứng minh là đúng hoặc hoàn toàn không có cơ sở nhưng chắc chắn vẫn có những mẹ bầu vẫn đặt niềm tin vào những điều dân gian tương truyền. Dù vậy, mẹ bầu nên nhớ đừng để các thông tin ảnh hưởng đến tâm lý của mình. Không nên quá lo lắng mà hãy xem những điều này như là một thông tin thú vị liên quan đến thai kỳ.
Khi quyết định ăn loại thực phẩm nào trong thai kỳ thì trước hết mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ, chú ý đến hàm lượng dinh dưỡng, đặc tính của loại thực phẩm. Để có một thai kỳ khỏe mạnh thì mẹ bầu nên ăn đa dạng thực phẩm, không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm nhất định.
Nguồn: imom.vn
Tin tức
- Tin tức (3)
- Kiến thức bệnh học (0)
- Bệnh người lớn (0)
- Tiểu đường (63)
- Tim mạch (3)
- Ung thư (41)
- Thận (2)
- Xương khớp (8)
- Khác (0)
- Trẻ nhỏ (0)
- Suy dinh dưỡng (10)
- Hô hấp (0)
- Tai - mũi - họng (0)
- Chân - tay - miệng (0)
- Khác (0)
- Thực đơn dinh dưỡng (0)
- Người lớn (0)
- Trẻ nhỏ (65)
- Tiêu hóa (2)
- Thừa cân béo phì (8)
- Tăng cường miễn dịch (0)
- Tiêu hóa trẻ em (20)
- Thận trẻ em (2)
- Thực đơn trẻ em (11)
- Thiếu vi chất dinh dưỡng (16)
- Phụ nữ mang thai (13)
- Thận tiết niệu (0)
Địa chỉ cửa hàng
Cửa hàng 1 (T2-Chủ nhật): Số 2, Ngõ 155/37/3 đường Cầu Giấy, P. Quan Hoa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại đặt hàng
Hotline : 0978 599 777 (8h-20h T2-Chủ nhật)
Hotline :
Hỗ trợ trực tuyến
Skype :
Email : nutimed.ltd.co@gmail.com
Bình luận về sản phẩm