Nuôi trẻ dưới một tuổi khi không có sữa mẹ

Ngày 07/09/2017

Nuôi trẻ dưới một tuổi khi không có sữa mẹ

     NUÔI TRẺ DƯỚI MỘT TUỔI KHI KHÔNG CÓ SỮA MẸ

     Trên thực tế hiện nay có một số bà mẹ vì một lý do nào đó về sức khoẻ và bệnh tật không thể cho con bú được. Trong các trường hợp đó thì phải nuôi trẻ bằng các loại sữa khác như sữa bò, sữa dê, sữa trâu, sữa đậu nành.

Các loại sữa thường gặp trên thị trường
     Thành phần dinh dưỡng trong 100g sữa (Viện dinh dưỡng 1995)

Loại sữa

Đạm (g)

Mỡ (g)

Đường (g)

Năng lượng (Calo)

Sữa mẹ

1,5

3,0

7,0

63

Sữa bò tươi

3,9

4,4

4,8

77

Sữa dê

3,5

4,1

4,5

71

Sữa trâu

7,0

10,0

5,0

142

Sữa đậu nành (100g đậu / 1 lit)

3,1

1,6

0,4

29


     So với sữa mẹ về thành phần các chất dinh dưỡng thì các loại sữa này đều thiếu đường, thừa đạm, riêng chất béo thì quá nhiều trong sữa trâu và quá ít trong sữa đậu nành.
     Trong các loại sữa thì sữa bò vẫn là loại sữa được sử dụng phổ biến nhất để nuôi dưỡng trẻ nhỏ khi không được bú mẹ, vì sữa bò có giá trị dinh dưỡng cao, dễ tiêu hoá hấp thu hơn các loại sữa khác, tuy nhiên sữa bò có nhiều dạng khác nhau.
•    Sữa bò tươi thường khó bảo quản và dễ nhiễm khuẩn, ít sử dụng cho trẻ nhỏ.
•    Sữa đặc có đường tuy đã tiệt trùng tốt, nhưng tỷ lệ đường cao, nếu pha loãng sữa thì tỷ lệ đạm, mỡ quá ít, không nên sử dụng lâu dài để nuôi trẻ.
•    Sữa bột tốt hơn sữa đặc có đường vì tỷ lệ thành phần các chất cân đối hơn. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sữa bột, các công thức chế biến đều hướng về mô hình sữa mẹ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đặc biệt chú trọng về phát triển não bộ và tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Các nhãn hiệu sữa bột đều có 2 loại, sữa bột cho trẻ dưới 6 tháng tuổi (công thức 1) và sữa bột cho trẻ trên 6 tháng tuổi (công thức 2). Trong công thức 1 thường có sự thay đổi thành phần các chất dinh dưỡng cả về chất và lượng để phù hợp với chức năng gan, thận của trẻ còn non yếu. Trong công thức 2 thường bổ sung thêm khoáng chất và vitamin để đáp ứng cho trẻ ở thời kỳ ăn bổ sung.
     Khi cho trẻ ăn sữa bột cần pha chế theo sự chỉ dẫn đã ghi trên hộp, không nên tự ý thêm hay giảm lượng sữa hoặc nước vì nếu pha quá nhiều sữa thì trẻ không tiêu hoá hấp thu tốt hoặc pha quá loãng nhiều nước sẽ không đủ dinh dưỡng cho trẻ. Trong mỗi hộp sữa đều có thìa đong sữa. Thông thường đong 1 thìa gạt ngang pha với 30ml nước sôi để ấm 55oC quấy đều, đôi khi có thìa đong sữa to hơn hoặc nhỏ hơn, cần chú ý pha theo chỉ dẫn của từng loại sữa. Khi sử dụng một loại sữa bột nhãn hiệu nào đó không phù hợp với tiêu hoá của trẻ (khẩu vị, nôn, táo bón...) thì mới thay đổi loại sữa bột nhãn hiệu khác.
     Nhìn chung các loại sữa bột đều khá đắt tiền, khi mua nên chọn hộp sữa được bảo quản tốt, còn thời hạn sử dụng.
     Các loại sữa khác như sữa dê, sữa trâu, sữa đậu nành chỉ nên sử dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
•    Thành phần các chất dinh dưỡng trong sữa dê gần giống sữa bò tươi, ở gia đình có thể nuôi dê vắt sữa hàng ngày cho trẻ uống: 1 lít sữa dê + 50g đường đun sôi để nguội.
•    Sữa trâu có hàm lượng đạm, mỡ quá cao. Khi sử dụng phải pha loãng sữa để có thành phần các chất dinh dưỡng gần giống sữa bò, bằng cách pha thêm nước và đường, đun sôi để nguội uống.
•    Sữa đậu nành được chế biến từ 100g đậu/lít sẽ có hàm lượng đạm tương đương sữa bò. Đậu nành là thực phẩm rẻ tiền, dễ kiếm, sẵn có ở vùng nông thôn. Ở tại gia đình có thể tự làm sữa đậu nành.
     Cách làm sữa đậu nành
     Cân 150g đậu nành ngâm vào nước lã trong 6 giờ, đãi bỏ vỏ rồi cho vào cối xay (hoặc giã nhỏ). Vừa xay vừa đổ 1,2 lít nước - vắt lọc lấy 1 lít sữa, đun sôi nhỏ lửa 5 phút, vừa đun vừa quấy để sữa khỏi vón.
     Hiện nay ở một số vùng nông thôn do điều kiện kinh tế và tập quán, các bà mẹ còn sử dụng nước cháo đường để nuôi trẻ khi không có sữa mẹ. Trong 100ml nước cháo (100g gạo/lít) chỉ có 0,33g đạm, 0,2g đường và cung cấp 18 calo. Nước cháo không đủ chất dinh dưỡng, trẻ chưa có đủ men tiêu hoá tinh bột nên dễ bị rối loạn tiêu hoá, phù dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Vì vậy không nên sử dụng nước cháo đơn thuần để nuôi trẻ khi không có sữa mẹ.
Cách cho ăn
•    Số lần ăn trong ngày tuỳ thuộc vào tháng tuổi của trẻ:
Trẻ sơ sinh đến 2 tháng ăn 7 bữa/ngày.
Trẻ từ  3-5 tháng ăn 6 bữa/ngày
Trẻ từ  6-12 tháng ăn 5 bữa/ngày
•    Số lượng sữa cho trẻ dưới 6 tháng trung bình 150ml/kg/ngày.
•    Trẻ trên 6 tháng tuổi cho ăn bổ sung giống như trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, duy trì 4-5 bữa sữa trong ngày, mỗi bữa 200ml.
Vệ sinh ăn uống
     Khi nuôi trẻ bằng thức ăn nhân tạo đặc biệt cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh trong quy trình pha chế và sử dụng sữa.
•    Trước khi pha sữa phải rửa tay sạch bằng xà phòng.
•    Luộc dụng cụ pha chế hoặc nhúng kỹ vào nước sôi.
•    Không nên dùng chai và đầu vú cao su, vì khó rửa sạch, vi khuẩn dễ phát triển và thường là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
•    Nếu trẻ ăn sữa bằng chai, thì phải dùng bàn chải cọ rửa chai sạch, luộc chai và đầu vú trước khi pha sữa. Khi cho ăn phải dốc chai để sữa ngập cổ bình, tránh cho trẻ nuốt phải không khí.
•    Sau khi pha sữa để ấm mới cho trẻ ăn, không nên cho trẻ ăn sữa quá nguội trẻ dễ bị nôn trớ. Không cho trẻ ăn lại sữa còn thừa của bữa trước.
•    Rửa sạch dụng cụ sau khi cho trẻ ăn và để nơi khô ráo, tránh ruồi, nhặng đậu vào.


Nguồn: "Ăn uống theo nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam",
Chủ biên PGS.TS Phạm Văn Hoan, Nhà xuất bản Y học, 2009

 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot