Những triệu chứng để biết trẻ bị ốm

Ngày 11/09/2017

Những triệu chứng để biết trẻ bị ốm

NHỮNG TRIỆU CHỨNG ĐỂ BIẾT TRẺ BỊ ỐM
 
     Trẻ bị ốm là mối quan tâm, lo ngại lớn của cha mẹ. Phân biệt được sự khác nhau giữa một bệnh nghiêm trọng và một bệnh nhẹ là đặc biệt quan trọng. Cha mẹ cũng cần phải học cách làm thế nào để nhận biết được các dấu hiệu bệnh sớm để có cách chăm sóc và bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt cho trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi tình trạng bệnh của trẻ có khả năng xấu đi nhanh hơn so với những trẻ đã lớn.
 
Những triệu chứng khi trẻ ốm bao gồm
       •   Sốt
       •   Giảm cảm giác thèm ăn
       •   Không hứng thú vui chơi
       •   Buồn bã
       •   Mệt mỏi
       •   Buồn ngủ
       •   Yếu ớt 
       •   Khó thở
       •   Thay đổi màu da
       •   Đi tiểu không thường xuyên hoặc phân thay đổi
Nếu con bạn bị sốt
       •   Hãy để trẻ nghỉ ngơi
       •   Mặc quần áo nhẹ, mỏng cho trẻ
       •   Thường xuyên cho trẻ uống nước lọc
       •   Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C hãy cho trẻ dùng thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất paracetemol
       •   Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng.
Những triệu chứng khi trẻ bị ốm
     Hầu hết, nhưng không phải tất cả, khi trẻ em bị ốm thường đi kèm với triệu chứng sốt, và không phải tất cả trẻ em bị sốt là đều bị ốm. Bạn cần phải quan sát con mình và tự đặt câu hỏi cho bản thân:
       •   Có phải con mình không muốn ăn? hay là
       •   Con mình có vui vẻ lúc ăn uống và vui chơi không? Hay là
       •   Con mình nằm đó mà không hứng thú hay quan tâm gì đến thế giới xung quanh?
Các triệu chứng khác cần chú ý khi trẻ bị ốm
      Chú ý những triệu chứng quan trọng khác khi trẻ bị ốm đặc biệt là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
       •   Các triệu chứng buồn ngủ, mất hứng thú vui chơi hoặc tương tác với bạn - trẻ có thể kém tỉnh táo hơn bình thường và không hứng thú với những gì xung quanh chúng. Đứa trẻ có thể chỉ thích được ôm ấp và có thể trông trẻ rất yếu ớt.
       •   Khó thở-thở mạnh, thở nhanh, chậm hoặc nhịp thở không đều. Trẻ có thể phát ra tiếng khò khè khi thở hoặc da giữa các xương sườn hoặc xương ức của trẻ có thể bị hút vào theo từng nhịp thở.
       •   Trẻ bú kém hoặc ăn mất ngon - trẻ có thể thỉnh thoảng không bú khoẻ hoặc từ chối bú.   Cần đặc biệt chú ý điều này ở trẻ sơ sinh. Cần chú ý nếu trẻ chỉ bú bằng một nửa lượng sữa so với bình thường trong vòng 24 giờ.
       •   Lượng nước tiểu thải ra ít hơn-Cần chú ý nếu số lượng tã ướt ít hơn 4 trong vòng 24 giờ. Những triệu chứng này rất khó phân biệt được nếu như đứa trẻ bị tiêu chảy. Với trẻ lớn tuổi hơn, lượng nước tiểu sẽ giảm đi và có thể bị cô đặc (có màu nâu đến màu cam).
       •   Thay đổi màu da-da đứa trẻ có thể rất nhợt nhạt, có đốm hoặc bàn tay và bàn chân lạnh.
       •   Phân của trẻ thay đổi- phân lỏng hoặc quá rắn, không đi đại tiện được hoặc màu phân thay đổi. .
Sốt
     Trẻ bị sốt là khi nhiệt độ cơ thể trẻ tăng lên. Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Các tác nhân gây bệnh có thể là vi rút hoặc vi khuẩn gây sốt. Thỉnh thoảng rất khó có thể phân biệt được nguyên nhân này.  Bạn nên làm theo hướng dẫn quan trọng sau đây nếu như con của bạn bị sốt.
       •   Cho trẻ nghỉ ngơi và giữ cho trẻ thoải mái.
       •   Cất gọn chăn màn và các quần áo thừa thãi xung quanh trẻ, cho trẻ mặc thông thoáng, rộng rãi.
       •   Đừng để trẻ bị rùng mình vì điều này sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng lên. Nếu trẻ bị rùng mình, quấn trẻ vào trong một tấm khăn nhẹ cho đến khi cơn rùng mình dừng lại và giảm sốt cho trẻ với thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất Paracetamol hoặc ibuprofen.
       •   Cho trẻ uống nước thường xuyên (bao gồm nước lọc hoặc nước ép trái cây pha loãng- với tỉ lệ 1 phần nước trái cây:4 phần nước)
       •   Trẻ bị sốt sẽ cảm thấy khát, nếu trẻ không bị nôn, có thể cho trẻ uống nhiều nước khi trẻ muốn. Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội, sữa mẹ hoặc sữa bình.
       •   Sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ của trẻ thường xuyên- sử dụng nhiệt kế thủy ngân hoặc nhiệt kế kỹ thuật số là tốt nhất. Loại nhiệt kế băng dán trán là không đáng tin cậy.
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt
     Nếu con của bạn trông có vẻ khá ổn và vui vẻ thì không cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, Paracetamol hoặc Ibuprofen chỉ có thể được sử dụng với liều lượng chính xác để điều trị sốt trên 38,5 độ C.
     Đọc hướng dẫn cẩn thận trước khi cho trẻ sử dụng thuốc, và hỏi ý kiến dược sĩ nếu như bạn có bất kỳ mối lo ngại nào. Nếu có 2 hoặc nhiều người chăm sóc cho trẻ (ví dụ: bố và mẹ) thì phải đảm bảo rằng không có sự nhầm lẫn để trẻ phải uống cả 2 liều thuốc giống nhau. Không được sử dụng Paracetamol hoặc Ibuprofen trong vòng hơn 48 tiếng đồng hồ mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Không cho trẻ sử dụng Aspirin mà không hỏi tư vấn của nhân viên y tế.
       •   Paracetamol: Liều lượng chính xác của Paracetamol là 15mg trên 1 kg cân nặng cơ thể của trẻ mối 4 tiếng, nhưng không được vượt quá 60mg/kg một ngày hoặc hơn 4 liều một ngày. Những loại paracetamol khác nhau sẽ có những tác dụng khác nhau (ví dụ: mg/ml)
       •   Ibuprofen: (ví dụ, Nurofen) Ibuprofen là một loại thuốc thay thế được sử dụng để điều trị đau hoặc sốt ở trẻ từ 3 tháng tuổi. Liều dùng khuyến cáo nên sử dụng là 5-10mg/kg cân nặng của trẻ mỗi 4-6 tiếng. Cho trẻ ăn thêm thực phẩm để làm giảm nguy cơ bị rối loạn dạ dày.
Khi nào thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ
     Tìm đến sự chăm sóc y tế- như bệnh viện địa phương nơi bạn sinh sống hoặc trung tâm y tế càng sớm càng tốt nếu như: Bạn quan sát thấy bất kỳ triệu chứng nào ốm đã được đề cập, đặc biệt nếu các triệu chứng diễn ra đồng thời thì con của bạn có khả năng cao là đang không khỏe, bạn cần quan tâm đến con của mình. Bạn cần tìm đến sự giúp đỡ nếu như con bạn:
       •   Bị sốt phát ban
       •   Bị co giật hoặc bị ngất
       •   Sốt cao từ 39 độ C
       •   Nôn mửa liên tục trong nhiều giờ hoặc nôn ra chất lỏng màu xanh hoặc là máu
       •   Dùng paracetamol hoặc ibuprofen nhưng vẫn không giảm đau
       •   Phát triển một khối u hoặc bị sưng- đặc biệt là ở vùng bẹn

       •   Ngưng thở hơn 15 giây
       •   Đau đầu dữ dội, cứng cổ hoặc ánh sáng làm tổn thương mắt của trẻ
Nhớ rằng
     Trẻ cần sự chăm sóc và quan tâm nhiều hơn khi trẻ bị ốm. Hãy để trẻ nghỉ ngơi và ở nhà để phục hồi sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ truyền nhiễm cho trẻ khác. Trẻ không biết tại sao mình lại cảm thấy dễ cáu kỉnh và buồn bã khi trẻ ốm. Sự hiện diện và chăm sóc của bạn rất quan trọng để giúp trẻ hồi phục.


Nutimed.com Dịch và hiệu chỉnh từ nguồn Queensland Government, Australia
 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot