Nhu cầu dinh dưỡng nuôi dưỡng trẻ

Ngày 07/09/2017

Nhu cầu dinh dưỡng nuôi dưỡng trẻ

 

NHU CẦU DINH DƯỠNG HỢP LÝ NUÔI DƯỠNG TRẺ

      Trẻ em (nhất là từ 1 đến 5 tuổi) là thời kỳ phát triển rất nhanh cả về thể lực lẫn trí tuệ, nếu được nuôi dưỡng tốt và chăm sóc hợp lý sẽ khoẻ mạnh, thông minh, ít bị bệnh tật. Trẻ em có rất nhiều nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Do đang tuổi lớn và phát triển nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của trẻ rất cao. Nếu tính theo trọng lựơng cơ thể thì nhu cầu về các chất dinh dưỡng của trẻ cao hơn người lớn, nhưng do bộ máy tiêu hoá chưa hoàn chỉnh, trẻ hay bị rối loạn tiêu hoá có thể dẫn tới suy dinh dưỡng. Cho nên cần quan tâm chăm sóc và nuôi dưỡng, đảm bảo cho trẻ được ăn nhiều năng lượng và nhiều các chất xây dựng cơ thể như đạm, chất khoáng. Ăn uống tốt giúp cho trẻ lớn, phát triển và hoạt động bình thường cho tới lúc trưởng thành.
 
Ảnh minh họa: Tháp dinh dưỡng - Nguồn: Viện dinh dưỡng

a. Năng lượng:
     Theo nhu cầu năng lượng khuyến nghị cho lứa tuổi này, trẻ cần 100KCal/kg/ngày. Từ 1-5 tuổi trẻ thường có cân nặng trung bình từ 9-13kg, như vậy năng lượng cần cung cấp cho trẻ là 900-1300KCal trong một ngày. Trẻ từ 4-5 tuổi cần 1600KCalo/ngày. Nguồn năng lượng này được cung cấp trong bữa ăn hàng ngày của trẻ dưới các dạng bột, cháo, cơm nát, sữa mẹ, sữa bò.


b. Protein/chất đạm:
     Chất đạm rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ ở lứa tuổi này, nếu thiếu đạm trẻ sẽ còi cọc chậm lớn. Nguồn cung cấp chất đạm tốt nhất là các loại đạm có nguồn gốc động vật như: thịt, trứng, sữa, cá, tôm... vì chúng có giá trị sinh học cao, chứa đầy đủ các acid amin thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, nhất là phát triển não bộ. Trong đạm động vật còn chứa nhiều các vi chất dinh dưỡng như: sắt, kẽm, vitamin A, giúp cho cơ thể trẻ khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng với bệnh tật. Tuy nhiên, nếu phối hợp tốt với đạm có nguồn gốc từ thực vật như: đậu, đỗ, lạc, vừng thì sẽ tạo nên sự cân đối giữa thức ăn động vật và thực vật, giúp trẻ hấp thu và sử dụng đạm tốt hơn.
     Nhu cầu chất đạm hàng ngày là 2-2,5g/kg/ngày. Nhu cầu trung bình là 28g/ngày đối với trẻ từ 1-3 tuổi và 36g/ngày đối với trẻ 4-5 tuổi. Tuy chất đạm rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ nhưng nếu cho ăn quá nhiều cũng không tốt, vì trong cơ thể đạm chuyển hoá thành urê thải qua nước tiểu, sẽ gây gánh nặng cho thận, mặt khác trong quá trình tiêu hoá chất đạm tạo ra nhiều sản phẩm thối rữa, độc hại. Ăn quá nhiều đạm thường là nguyên nhân gây chứng táo bón ở trẻ. Trong bữa ăn của trẻ, chất đạm chỉ phát huy tác dụng cao khi có đủ năng lượng, nếu khẩu phần ăn đủ đạm nhưng thiếu năng lượng thì trẻ vẫn bị suy dinh dưỡng, đây là tình trạng rất hay gặp ở trẻ em hiện nay, đặc biệt là ở thành phố, các bà mẹ thường chỉ quan niệm cho trẻ ăn nhiều thịt, cá, trứng sữa là đủ mà không chú ý đến các thức ăn cung cấp năng lượng từ chất bột ngũ cốc và dầu mỡ.


c. Lipid/chất béo:
     Dầu mỡ vừa cung cấp năng lượng cao, làm tăng cảm giác ăn ngon miệng lại vừa giúp trẻ hấp thu tốt các loại vitamin tan trong dầu như: vitamin A, D, K, E… rất cần thiết đối với trẻ. Nếu thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, hay bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hoá và đặc biệt dễ bị quáng gà, khô mắt, viêm loét giác mạc dẫn tới mù lòa. Thiếu vitamin D trẻ sẽ bị còi xương. Nên cho trẻ ăn cả mỡ và dầu, nhất là các loại mỡ gia cầm như mỡ gà, ngan, vịt có chứa nhiều các loại acid béo chưa no cần thiết như acid linoleic, acid linolenic, acid arachidonic cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ, nhất là não bộ. Mỗi bữa ăn trẻ cần từ 1-2 thìa dầu mỡ, khoảng 20-40g dầu mỡ một ngày.


d. Các chất khoáng:
     Ở lứa tuổi này chất khoáng rất cần thiết cho sự phát triển của xương, răng, tạo máu và các hoạt động chức năng sinh lý của cơ thể, những chất khoáng quan trọng là: calci, phospho, sắt, kẽm…
     -    Nhu cầu về calci: một ngày trẻ cần từ 500-600mg. Calci có nhiều trong sữa và các loại nhuyễn thể như: tôm, cua, trai, ốc… phospho có nhiều trong trứng, các loại ngũ cốc. Phải có một tỉ lệ thích hợp giữa calci và phospho thì trẻ mới hấp thu và sử dụng tốt hai loại chất khoáng này. Tỉ lệ giữa calci phospho trung bình từ 1/1,5-1/1,8. Sự hấp thu và chuyển hoá calci, phospho trong cơ thể được điều hoà bởi vitamin D. Vitamin D có rất ít trong thức ăn nhưng dưới da lại có rất nhiều tiền vitamin D, dưới tác dụng cuả tia cực tím trong ánh nắng mặt trời buổi sáng, tiền vitamin D dưới da sẽ chuyển thành vitamin D. Như vậy, ngoài việc cho trẻ ăn uống đầy đủ cần phải cho trẻ tắm nắng.
     -    Chất sắt rất cần cho sự tạo máu, sắt còn tham gia vào nhiều thành phần các men quan trọng trong cơ thể. Nhu cầu sắt hàng ngày ở lứa tuổi này từ 6-7mg. Sắt có nhiều trong các loại thức ăn có nguồn gốc động vật như: gan, tim, bầu dục, lòng đỏ trứng, đây là nguồn sắt có giá trị sinh học cao; ngoài ra sắt còn có trong các loại đậu đỗ và rau có màu xanh đậm như rau muống, rau ngót… tuy giá trị sinh học không cao nhưng các loại rau xanh lại chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt. Vì vậy, cần cho trẻ ăn cả thức ăn động vật, thưc vật để đảm bảo đủ nhu cầu sắt cho cơ thể.
     -    Kẽm là một vi chất dinh dưỡng tham gia vào cấu trúc enzym, điều hoà hoạt động của các phản ứng sinh học, nhất là sinh tổng hợp protein ảnh hưởng đến các quá trình tăng trưởng, tiêu hoá, miễn dịch. Thiếu kẽm trẻ sẽ chậm lớn còi cọc, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, hô hấp, nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần, ngoài ra trẻ còn hay bị nôn trớ, rối loạn giấc ngủ. Nhu cầu về kẽm ở trẻ từ 1-3 tuổi là 10mg/ngày. Kẽm có nhiều trong các loại thức ăn động vật như: hải sản; trai, hến, sò huyết, thịt,  cá và một số loại ngũ cốc, nhưng kẽm trong thức ăn nguồn thực vật có giá trị sinh học thấp hơn so với kẽm trong các loại thức ăn từ  nguồn  động vật.


e. Các vitamin:
     Lứa tuổi này trẻ cần tất cả các loại vitamin, nhưng các vitamin quan trọng nhất là: vitamin A, D, C. Các vitamin này giúp cho việc phát triển xương, răng, tạo máu, tăng sức đề kháng chống đỡ bệnh tật. Nhu cầu về viatamin A: 400 mcg/ngày, vitamin D: 400-500UI/ngày, vitamin C: 35-45mg/ngày. Vitamin A có nhiều trong các thức ăn động vật như: trứng, gan… và dạng tiền vitamin A có trong các loại quả, củ màu vàng, đỏ, da cam: gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài và các loại rau có màu xanh thẫm như: rau ngót, rau mồng tơi, rau muống… các loại rau quả này lại chứa nhiều vitamin C. Vì vậy, để đảm bảo đủ nhu cầu vitamin cần cho trẻ ăn rau quả hàng ngày.

Nguồn: "Ăn uống theo nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam",
Chủ biên PGS.TS Phạm Văn Hoan, Nhà xuất bản Y học, 2009

 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot