Ngăn ngừa nhiễm trùng ở bệnh nhân ung thư

Ngày 18/11/2019

 

Những bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa trị sẽ có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng do hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu.

Những bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa trị sẽ có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng do hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu. Ung thư và hóa trị đều có thể phá hư hệ thống miễn dịch của bạn, giảm số lượng tế bào bạch cầu chống vi khuẩn và khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Nhiễm trùng cũng có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, là khi cơ thể có những phản ứng đối với nhiễm trùng ở mức quá khích và gây đe dọa tới tính mạng.

Nhiễm trùng là gì?

Bạn bị nhiễm trùng khi vi trùng xâm nhập và nhân lên trong cơ thể, gây ốm yếu cùng tổn thương ở nội tạng và các mô, hay bệnh tật. Vi khuẩn và virus đều gây nhiễm trùng.

  • Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bạn từ môi trường không khí, nước, đất hoặc từ đồ ăn trong quá trình điều trị y tế. Hầu hết vi khuẩn đến từ chính cơ thể bạn. Những nhiễm trùng do vi khuẩn thường gặp gồm có viêm phổi, viêm phế quảnnhiễm trùng tai.
  • Virus được lan truyền từ người này sang người khác. Nhiễm virus thường gặp bao gồm bệnh cảm lạnh, herpesbệnh cúm.

Tôi nên làm gì nếu cho rằng mình bị nhiễm trùng?

Gọi ngay cho bác sĩ, kể cả khi nửa đêm. Đây được coi là một trường hợp khẩn cấp. Đừng đợi đến sáng. Luôn giữ các số điện thoại của bác sĩ mọi lúc mọi nơi. Hãy chắc chắn rằng bạn biết số nào dùng để gọi trong giờ làm việc, còn số nào gọi ngoài giờ.

Chuẩn bị: Coi chừng bị sốt

Nếu bạn bị sốt trong lúc điều trị hóa trị, đây là một trường hợp y tế khẩn cấp. Sốt có thể là dấu hiệu duy nhất cho thấy rằng bạn bị nhiễm trùng và việc bị nhiễm trùng trong quá trình hóa trị có thể đe dọa tới tính mạng.

Bạn nên đo nhiệt độ cơ thể bất cứ khi nào cảm thấy ấm lên, nóng bừng, lạnh toát, hoặc không ổn. Nếu bạn bị sốt, hãy gọi ngay cho bác sĩ, kể cả khi nửa đêm. Bạn cũng nên—

  • Hỏi bác sĩ xem khi nào số lượng tế bào bạch cầu của bạn có khả năng xuống thấp nhất, vì đây là lúc bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng cao nhất.
  • Để nhiệt kế (cặp nhiệt độ) ở nơi thuận tiện và biết phương pháp sử dụng nó.
  • Giữ các số điện thoại của bác sĩ mọi lúc mọi nơi. Hãy chắc chắn rằng bạn biết số nào dùng để gọi trong giờ làm việc, còn số nào gọi ngoài giờ.
  • Nếu phải đến phòng cấp cứu, hãy nói với người đưa bạn vào rằng bạn là một bệnh nhân ung thư đang phải trải qua hóa trị. Nếu bị sốt, bạn có thể bị nhiễm trùng. Đây là một trường hợp gây đe dọa tới tính mạng, và bạn sẽ được gặp bác sĩ nhanh chóng.

Phòng ngừa: Rửa tay sạch sẽ

Rửa tay sạch sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhiều bệnh lây lan do không làm sạch tay, điều đặc biệt nguy hiểm khi đang điều trị hóa trị, khi mà cơ thể bạn không thể chống lại nhiễm trùng một cách mạnh mẽ như trước. Bạn và mọi người xung quanh, bao gồm tất cả các thành viên gia đình, các bác sĩ và y tá, nên thường xuyên rửa tay. Đừng ngần ngại yêu cầu mọi người rửa tay, và hãy rửa với xà phòng và nước. Nếu không có sẵn chúng, bạn có thể dùng chất khử trùng tay có chứa cồn.

Hãy đảm bảo mình rửa tay sạch sẽ—

  • Trước, trong và sau khi nấu ăn.
  • Trước khi ăn.
  • Sau khi đi vệ sinh.
  • Sau khi thay tã hoặc tắm cho trẻ.
  • Sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi.
  • Sau khi chạm vào hoặc vệ sinh thú cưng.
  • Sau khi chạm vào thùng rác.
  • Trước và sau khi điều trị vết mổ, vết thương hay vệ sinh ống thông, lỗ thông hoặc thiết bị truyền dẫn khác.

Bảo vệ: Hiểu rõ các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng

Trong quá trình điều trị hóa trị, cơ thể bạn không thể chống lại nhiễm trùng một cách mạnh mẽ như trước. Khi số lượng bạch cầu hạ thấp, các triệu chứng nhiễm trùng trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với bạn. Nhiễm trùng trong quá trình hóa trị có thể dẫn đến phải nhập viện hoặc tử vong. Gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp phải bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nhiễm trùng nào sau đây—

  • Sốt (đôi khi đây là dấu hiệu nhiễm trùng duy nhất).
  • Ớn lạnh và toát mồ hôi.
  • Triệu chứng ho thay đổi hoặc gặp phải một cơn ho mới.
  • Đau họng hoặc một triệu chứng đau miệng mới.
  • Khó thở.
  • Nghẹt mũi.
  • Cổ bị cứng.
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu.
  • Tiết dịch hay kích thích âm đạo bất thường.
  • Đi tiểu nhiều.
  • Mẩn đỏ, đau đớn hoặc sưng phù ở bất kỳ chỗ nào, kể cả ở vết thương và lỗ mổ trong phẫu thuật.
  • Bệnh tiêu chảy.
  • Nôn.
  • Đau bụng hoặc đau trực tràng.
  • Khởi phát một cơn đau mới.

Hỏi bác sĩ xem khi nào số lượng tế bào bạch cầu của bạn có khả năng xuống thấp nhất, vì đây là lúc bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng cao nhất. Giai đoạn này thường rơi vào khoảng từ 7 đến 12 ngày sau khi bạn hoàn thành mỗi liều hóa trị và có thể kéo dài lên tới một tuần.

Chứng hạ bạch cầu và nguy cơ nhiễm trùng

Chứng hạ bạch cầu là gì?

Chứng hạ bạch cầu là tình trạng giảm số lượng các tế bào bạch cầu trong cơ thể. Những tế bào này là lớp phòng thủ chính của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Hạ bạch cầu xảy ra phổ biến sau khi hóa trị và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Tại sao hóa trị gây nên hạ bạch cầu?

Những loại thuốc điều trị ung thư này có chức năng tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh chóng trong cơ thể, cả tốt lẫn xấu. Chúng tiêu diệt cả tế bào ung thư lẫn các tế bào bạch cầu khỏe mạnh.

Làm thế nào để tôi biết mình mắc chứng hạ bạch cầu?

Bác sĩ hoặc y tá sẽ thông báo cho bạn. Do chứng hạ bạch cầu xảy ra phổ biến sau hóa trị, bác sĩ có thể sẽ lấy một ít máu của bạn để chẩn đoán bệnh.

Khi nào tôi có nguy cơ bị hạ bạch cầu cao nhất?

Hạ bạch cầu thường xảy ra trong khoảng từ 7 đến 12 ngày sau khi hóa trị. Khoảng thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào liệu trình hóa trị của bạn. Bác sĩ hoặc y tá sẽ thông báo chính xác khi nào số lượng bạch cầu của bạn có khả năng hạ xuống mức thấp nhất. Bạn nên theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng một cách cẩn thận trong giai đoạn này.

Ngăn ngừa chứng hạ bạch cầu như thế nào?

Bạn khó có thể làm được gì để ngăn ngừa chứng hạ bạch cầu xảy ra, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bị nhiễm trùng trong lúc số lượng bạch cầu xuống thấp.

Nguồn: Nutimed.vn dịch và hiệu chỉnh từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot