NGĂN NGỪA CÁC BIẾN CHỨNG TIỂU ĐƯỜNG

Ngày 14/10/2019

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng tới bất kỳ bộ phận nào của cơ thể bạn. Một tin tốt là bạn có thể phòng tránh hầu hết những vấn đề này bằng cách giữ cho đường huyết (lượng đường trong máu) của mình trong tầm kiểm soát, ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, phối hợp cùng bác sĩ để kiểm soát huyết áp và cholesterol, và làm các xét nghiệm sàng lọc cần thiết.

Bệnh tim (Sức khỏe tim mạch)

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến trái tim tôi như thế nào?

Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở những bệnh nhân tiểu đường. Người lớn mắc bệnh tiểu đường có khả năng bị bệnh tim hoặc đột quỵ cao gấp 2-3 lần so với những người không mắc bệnh. Đồng thời, khoảng 74% bệnh nhân tiểu đường bị cao huyết áp, một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Làm thế nào dể tôi “khỏe tim” và tránh khỏi bệnh tim nếu bị tiểu đường?

Để bảo vệ trái tim và mạch máu của bạn:

  • Ăn uống lành mạnh — chọn một chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ để lên thực đơn cho các bữa ăn khỏe mạnh.
  • Tích cực hoạt động thể chất—nếu bạn bị thừa cân, trao đổi với bác sĩ về cách giảm cân an toàn. Hãy hỏi về một hoạt động thể chất hoặc một chương trình thể dục phù hợp nhất với bạn.
  • Đừng hút thuốc — nếu bạn đang hút thuốc hãy bỏ hút thuốc.
  • Duy trì đường huyết, huyết áp và cholesterol trong mức khỏe mạnh—làm một xét nghiệm A1C ít nhất 2 lần 1 năm để xác định mức đường huyết trung bình của bạn trong 3 tháng qua. Kiểm tra huyết áp mỗi lần đi khám bác sĩ, và kiểm tra lượng cholesteron ít nhất một lần mỗi năm. Uống thuốc theo kê đơn của bác sĩ.

Các vấn đề về cholesterol, triglyceride, cân nặng và huyết áp liên quan đến bệnh tiểu đường như thế nào?

Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có mức cholesteron, triglyceride và huyết áp cao, hoặc bị béo phì đều là những nguyên nhân chính dẫn góp phần dẫn tới tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cao. Nhiều bệnh nhân tiểu đường gặp nhiều vấn đề kể trên cùng lúc. Sự kết hợp của các tình trạng trên thường được gọi là hội chứng chuyển hóa. Hội chứng chuyển hóa thường được định nghĩa là sự hiện diện đồng thời của bất kỳ 3 tình trạng nào sau đây:

  • Béo bụng
  • Hàm lượng triglycerides cao
  • Mức HDL thấp hoặc cholesterol“tốt”
  • Huyết áp cao
  • Chỉ số đường huyết lúc đói cao.

Nếu bạn có một hoặc vài tình trạng như trên, bạn có khả năng cao sẽ mắc thêm một hoặc nhiều tình trạng khác. Càng gặp nhiều tình trạng kể trên, nguy cơ về sức khỏe của bạn càng lớn.

Biến chứng về thận

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới thận như thế nào?

Trong bệnh thận đái tháo đường (còn gọi là bệnh thận do tiểu đường), các tế bào và mạch máu trong thận bị tổn thương, ảnh hưởng đến khả năng lọc chất thải của thận. Chất thải tích tụ trong máu thay vì được bài tiết, trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến suy thận. Khi bị suy thận, bạn sẽ cần phải lọc máu qua máy (máy lọc máu) vài lần một tuần, hoặc bạn sẽ cần phải ghép thận.

Làm thế nào để giữ cho thận khỏe mạnh nếu tôi bị tiểu đường?

Bạn có thể làm nhiều điều để ngăn ngừa bệnh về thận. Kiểm soát đường huyết và giữ cho huyết áp luôn trong tầm kiểm soát có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh thận.

Bệnh thận đái tháo đường xảy ra từ từ và âm thầm, vì vậy có thể bạn sẽ không thấy bất cứ triệu chứng gì cho đến khi vấn đề nghiêm trọng phát sinh. Do đó, bạn cần kiểm tra máu và nước tiểu để tìm xem có vấn đề về thận không hàng năm.

Bác sĩ sẽ kiểm tra xem thận của bạn hoạt động tốt hay không bằng cách kiểm tra microalbumin (một protein) ở trong nước tiểu hàng năm. Microalbumin ở trong nước tiểu là một dấu hiệu sớm của bệnh thận đái tháo đường. Bác sĩ cũng có thể làm xét nghiệm máu hàng năm để đánh giá chức năng thận của bạn.

Nếu bạn bị nhiễm trùng bàng quang hoặc thận, hãy đi khám bác sĩ. Các triệu chứng bao gồm nước tiểu đục hay đái ra máu, đau hoặc rát khi đi tiểu, có nhu cầu đi tiểu gấp thường xuyên, đau lưng,ớn lạnh hoặc sốt.

Xem thêm sản phẩm dinh dưỡng dành cho bệnh thận tiểu đường tại đây

Biến chứng thần kinh

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới các mút thần kinh như thế nào?

Có đường huyết cao trong nhiều năm có thể làm tổn thương các mạch máu vận chuyển oxy đến một số mút thần kinh. Dây thần kinh bị tổn thương có thể ngừng hoạt động, chậm hoặc gửi thông tin sai thời điểm, gây ra tê, đau và yếu ở bàn tay, cánh tay, bàn chân và chân. Biến chứng cũng có thể xảy ra ở nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm cơ quan tiêu hóa, tim mạch và cơ quan sinh dục. Bệnh thần kinh đái tháo đường là thuật ngữ y học chỉ việc hệ thần kinh bị bệnh tiểu đường làm tổn thương, loại phổ biến nhất là bệnh thần kinh ngoại vi ảnh hưởng đến tay và chân.

Khoảng 50% bệnh nhân tiểu đường có các biến chứng về thần kinh, những không phải tất cả đều có triệu chứng. Biến chứng về thần kinh có thể phát sinh bất cứ lúc nào, nhưng người bị bệnh càng lâu thì nguy cơ càng lớn, tỷ lệ gặp những biến chứng thần kinh này cao nhất là ở những người đã mắc bệnh trong ít nhất 25 năm.

Biến chứng thần kinh tiểu đường cũng phổ biến hơn với những người gặp khó khăn trong kiểm soát đường huyết, huyết áp, cân nặng, và với những người trên 40 tuổi.

Làm thế nào để ngăn ngừa tổn thương thần kinh nếu tôi bị tiểu đường?

Bạn có thể giữ cho hệ thần kinh của mình khỏe mạnh bằng cách giữ mức đường huyết của mình gần mức bình thường nhất có thể, hoạt động thể chất đều đặn, không hút thuốc, chăm sóc tốt cho bàn chân mỗi ngày, đến bác sĩ kiểm tra bàn chân ít nhất 4 lần mỗi năm và kiểm tra tổn thương thần kinh cho bàn chân của bạn ít nhất mỗi năm 1 lần.

Biến chứng về hệ tiêu hóa

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa như thế nào?

Chứng liệt dạ dày (kéo dài thời gian làm trống dạ dày) là sự rối loạn khi dạ dày mất quá nhiều thời gian để tiêu hóa hết thức ăn do  bị tổn thương thần kinh. Nó thường xảy ra với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và 2.

Các biểu hiện của chứng liệt dạ dày bao gồm ợ chua, buồn nôn, nôn ra thức ăn không tiêu hóa được, cảm giác ăn nhanh no, sụt cân, đầy bụng, mức đường huyết thất thường, chán ăn, trào ngược dạ dày, và co thắt thành dạ dày.

Biến chứng bàn chân

Tại sao chăm sóc bàn chân lại đặc biệt quan trọng nếu bạn bị tiểu đường?

Đôi khi tổn thương thần kinh có thể làm biến dạng hoặc méo mó bàn chân của bạn, tạo nên các điểm nén có thể biến thành mụn nước, vết lở loét hoặc ung nhọt. Lưu thông máu kém có thể khiến những vết thương này mất nhiều thời gian để lành, đôi khi có thể dẫn đến cắt cụt ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân.
Tôi nên thường xuyên làm gì để chăm sóc cho đôi bàn chân của mình?

  • Kiểm tra chân hàng ngày, tìm vết cắt, vết nứt, vết loét, đốm đỏ, chỗ sưng, móng chân bị nhiễm trùng, vết tróc da, mụn nước, và vết chai trên bàn chân mỗi ngày. Hỏi bác sĩ của bạn nếu vết thương đó không lành sau một ngày.
  • Nếu chân bạn có hạt sừng và vết chai, hãy hỏi bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa về cách tốt nhất để chữa trị chúng.
  • Rửa chân trong nước ấm — không nóng và lau/sấy khô thật kỹ.
  • Cắt móng chân 1 lần một tuần hoặc khi cần thiết, khi chúng mềm đi bởi nước. Cắt chúng theo hình dạng của ngón chân và không quá ngắn, giũa các cạnh với một mặt nhám.
  • Thoa dầu dưỡng lên mu và lòng bàn chân — ngoại trừ giữa các ngón chân — để tránh nứt nẻ.
  • Mang tất dài hoặc ngắn để tránh mụn nước và lở loét. Xem thêm sản phẩm tất y khoa dành cho người tiểu đường tại đây
  • Mang tất sạch, có đệm mỏng, vừa chân. Tất liền là tốt nhất.
  • Mang giày vừa chân. Khi bạn thay giày mới, hãy để thời gian cho chân quen với đôi giày mới một cách chậm rãi, đeo chúng từ 1 đến 2 giờ mỗi ngày trong từ 1 đến 2 tuần.
  • Luôn luôn mang giày hoặc dép, vì khi để chân trần, bạn dễ bị tổn thương bàn chân do giẫm lên thứ gì đó. Xem thêm sản phẩm lót giày y khoa dành cho người tiểu đường tại đây
  • Bảo vệ bàn chân khỏi quá nóng hay quá lạnh.
  • Khi ngồi, giữ cho máu lưu thông đến chân của bạn bằng cách dựng bàn chân lên rồi hoạt động ngón chân và mắt cá chân trong một vài phút.
  • Tránh hút thuốc, điều làm giảm lưu lượng máu đến bàn chân.
  • Giữ mức đường huyết, huyết áp và cholesterol trong tầm kiểm soát với việc ăn uống lành mạnh, tích cực hoạt động và dùng thuốc điều trị tiểu đường.

Đáp ứng tình dục

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến đáp ứng tình dục của tôi như thế nào?

Nhiều bệnh nhân thần kinh đái tháo đường gặp khó khăn khi quan hệ tình dục. Ví dụ, nam giới có thể gặp trở ngại trong việc duy trì cương cứng hoặc xuất tinh, còn nữ giới có thể gặp rắc rối với đáp ứng tình dục và bôi trơn âm đạo. Cả đàn ông và phụ nữ mắc bệnh tiểu đường đều có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu và gặp các vấn đề bàng quang thường xuyên hơn mức trung bình.

Biến chứng răng miệng

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến miệng, răng và lợi của tôi như thế nào?

Những bệnh nhân tiểu đường dễ gặp vấn đề về răng và lợi hơn do chỉ số đường huyết cao. Và như mọi loại nhiễm trùng khác, nhiếm trùng răng miệng cũng có thể làm tăng đường huyết của bạn. Đau nướu, sưng và chảy máu chân răng khi bạn đánh răng là triệu chứng của một bệnh về răng gọi là viêm nướu răng. Một bệnh khác được gọi là viêm quanh răng (viêm nha chu) xảy ra khi nướu răng của bạn co vào hoặc giãn ra khỏi răng.

Bệnh nhân tiểu đường có thể gặp nhiều vấn đề về răng và lợi thường xuyên hơn nếu đường huyết của họ giữ ở mức cao. Hút thuốc cũng làm bạn dễ mắc bệnh về lợi hơn, đặc biệt với những người bị tiểu đường và từ 45 tuổi trở lên.

Làm thế nào để giữ cho miệng, răng và lợi của tôi khỏe mạnh nếu tôi bị tiểu đường?

Bạn có thể duy trì sức khỏe răng miệng của mình bằng cách:

  • Giữ cho đường huyết của bạn càng gần mức bình thường càng tốt.
  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần.
  • Làm sạch mọi răng giả.
  • Làm vệ sinh răng miệng (lấy cao răng) và khám răng hai lần một năm và cho nha sĩ biết rằng bạn bị tiểu đường.

Tại đây bạn sẽ tìm kiếm được những sản phẩm chăm sóc răng miệng cho người tiểu đường.

Gọi cho nha sĩ khi xảy ra bất cứ vấn đề gì, chẳng hạn như lợi bị đỏ, đau, chảy máu, hay long ra khỏi răng; hoặc bất kỳ nhiễm trùng răng nào có thể xảy ra; hoặc đau nhức từ răng giả.

Thị lực

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Trong bệnh võng mạc đái tháo đường, mức đường huyết và huyết áp cao làm cho các vi mạch sưng lên và rỉ máu vào võng mạc của mắt, làm mờ thị lực và đôi khi dẫn đến mù lòa. Những bệnh nhân tiểu đường dễ phát triển bệnh đục thủy tinh thể hơn (thủy tinh thể bị mờ) và bệnh tăng nhãn áp (tổn thương dây thần kinh thị giác). Phẫu thuật Laser trong một vài trường hợp có thể chữa tình trạng này.

Làm thế nào để giữ cho mắt của tôi khỏe mạnh nếu tôi bị tiểu đường?

Có nhiều điều bạn có thể làm để ngăn ngừa các bệnh về mắt. Giữ mức đường huyết gần nhất với bình thường có thể ngăn chặn hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh võng mạc đái tháo đường. Ngoài ra, cũng cần đặt huyết áp của bạn trong tầm kiểm soát. Chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt sớm có thể cứu lấy thị lực của bạn.

Để một bác sĩ nhãn khoa làm bài kiểm tra đáy mắt cho bạn ít nhất mỗi năm 1 lần. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhỏ mắt làm giãn nở (phóng to) đồng tử để kiểm tra đáy mắt của bạn. Mắt của bạn sẽ được kiểm tra về các dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể hay bệnh tăng nhãn áp, những bệnh mà người bị tiểu đường dễ mắc phải hơn.

Vì bệnh võng mạc đái tháo đường có thể phát triển mà không có triệu chứng, kiểm tra mắt thường xuyên là điều quan trọng để tìm ra bệnh sớm. Một số người có thể nhận thấy thị lực của mình thay đổi. Nếu bạn gặp khó khăn khi đọc, nếu thị lực của bạn bị mờ hoặc nếu bạn nhìn thấy những quầng sáng quanh đèn, những đốm đen hoặc ánh sáng nhấp nháy, bạn có thể đã gặp vấn đề về mắt. Hãy chắc chắn thông báo bác sĩ nhãn khoa về bất kỳ vấn đề về mắt nào mà bạn có thể mắc phải.

Nguồn: dịch và hiệu chỉnh từ CDC – Mỹ

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot