Hoạt động thể chất ở người tiểu đường (Phần 2)

Ngày 12/06/2018

HOẠT ĐỘNG THỂ CHẤT Ở NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG (Phần 2)

Nên làm gì trước khi bắt đầu chương trình hoạt động?

Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn lâm vào bệnh trạng nào đó do hoạt động thể chất gây ra. Danh sách kiểm tra sẽ giúp bạn ‘tập vận động’ an toàn hơn.

•    Trước khi bắt đầu 1 chương trình hoạt động mới, hãy kiểm tra với bác sĩ để xem xét về mức đường trong máu, các biến chứng do tiểu đường và về bệnh trạng tim mạch của bạn.

•    Bác sĩ có thể khuyên làm xét nghiệm về căng thẳng tinh thần như là biện pháp phòng ngừa nếu bạn:

-  Trên 35 tuổi

-  Bị tiểu đường loại 2 trên 10 năm

-  Bị huyết áp cao

-  Đã và đang có vấn đề về tim.

•    Vì phần lớn hoạt động thể chất đòi hỏi sử dụng đôi chân nên cần xét đến việc đi gặp chuyên viên về chân trước khi bạn bắt đầu chương trình tập luyện để lấy lời khuyên về mang giày vớ thích hợp và những thông tin ích lợi khác.

Có cần làm gì khác không trước và trong mỗi buổi tập luyện thể chất?

•    Hãy định ra những mục tiêu để động viên cho mình – và khi đạt được mục tiêu, hãy tự thưởng mình!

•    Trong vài buổi tập đầu, cũng nên xét nghiệm mức đường trong máu trước, trong và sau khi tập luyện, nhất là nếu bạn dùng insulin hay thuốc viên trị tiểu đường làm hạ thấp mức đường trong máu. Luôn mang theo lượng đường thẩm thấu nhanh như viên kẹo đường phòng khi mức đường trong máu bạn xuống quá thấp.

•    Hãy mang giày, vớ bó sát, vừa khít, có chất lượng cao như bác sĩ bệnh chân khuyến cáo.

•    Khởi sự chậm và tăng dần tiến độ cũng như thời gian mỗi buổi tập.

•    Hãy nhắm đến thực hiện các buổi tập vào giờ giấc thường lệ và vào những ngày nhất định.

•    Không hoạt động thể chất nếu bạn thấy không khỏe.

•    Đừng để mất nước. Hãy uống đủ để tránh cơn khát và nhớ bạn cần nhiều nước hơn thường lệ 1 chút trong khi tập.

•    Hãy nghỉ ngắn nhìều lần trong khi tập những buổi kéo dài.

•    Hãy tin rằng hoạt động thể chất rất thiết yếu cho sức khỏe bạn, như không khí bạn thở. Mỗi lần bắt đầu buổi tập, hãy tự nhủ: “Tập hoài không thôi”.

•    Các buổi tập luyện với 1 người bạn, thành viên gia đình hoặc với thành viên nhóm thường lệ đều có thể giúp bạn được động viên và khiến mình thích thú hơn.

•    Hãy bôi kem chống nắng, bảo vệ đầu và xếp lớp đồ mặc để có thể thêm vào hoặc lấy đi quần áo khi cần.

Có lúc nào cần phải ngưng buổi tập luyện không?

•    Hãy ngừng lại và nghỉ nếu thấy đau hay căng ở ngực, tay, bụng hay cổ, hoặc hơi khó chịu. Hãy ngừng lại và nghỉ nếu cảm thấy thở hụt hơi, muốn ngất, choáng váng hay có những triệu chứng bất thường khác trong khi đang tập. Những triệu chứng này có nghĩa là tim yếu, cần điều trị khẩn cấp.

Nếu có triệu chứng không ổn định trong vòng 10 phút, bạn hoặc ai đó bên cạnh CẦN gọi xe cứu thương đưa ngay bạn đến khoa cấp cứu bệnh viện gần nhất. Nếu các triệu chứng ổn định trong vòng 10 phút, bạn cũng cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra. Cần phải làm điều này trước khi bạn tập thêm.

•    Nếu bạn thấy đau chân, hãy ngừng lại cho đến khi cơn đau hết rồi mới tiếp tục hoạt động. Cần kể với bác sĩ bạn về cơn đau chân này. Dần dần, bạn cũng có thể vận động lâu hơn, không cảm thấy đau nhưng việc điều trị vẫn cần thiết.

•    Nếu bạn có triệu chứng hạ đường huyết, hãy ngừng lại, kiểm tra mức đường trong máu và điều trị chứng bệnh này. Hãy đợi 10 – 15 phút, kiểm tra trở lại và ăn thực phẩm chứa carbohydrate (đường hoặc tinh bột) có tác động lâu dài như bánh sandwich, 1 ly sữa hoặc 2 bánh quy. Đừng tiếp tục vận động trước khi các triệu chứng trên hết hẳn.

Còn điều gì cần làm nữa sau mỗi buổi tập?

•    Kiểm tra đôi chân sau khi tập luyện hoặc ít nhất mỗi ngày 1 lần tìm xem có các dấu hiệu như mẫn đỏ, da mọng nước, nứt nẻ hay có vết chai cứng. Nếu chân bạn ra mồ hôi, phải thay đổi vớ/tất sau tập luyện.

•    Hoạt động thể chất giúp hạ thấp mức đường trong máu trong khoảng tối đa 48 tiếng đồng hồ sau đó, vì vậy phải làm xét nghiệm. Bạn có thể nhận thấy mức đường tăng tạm thời sau khi hoạt động. Sự gia tăng này thay đổi tùy theo mỗi người và do cơ thể tiết ra hoóc-môn trong khi hoạt động cơ bắp có cường độ.

•    Mỗi lần đạt được mục tiêu đã định, bạn hãy tự thưởng cho mình như đi xem phim, mua áo mới hoặc uống cà phê latte ít béo, sau đó lại đặt ra những mục tiêu mới để tự khuyến khích mình.

Biết cơ thể bạn đáp ứng ra sao

Vì cơ thể mỗi người phản ứng khác nhau, nên điều quan trọng là biết được phản ứng của lượng đường trong máu với các hoạt động của bạn. Bạn cũng cảm thấy nhiều dấu hiệu ban đầu của chứng hạ đường huyết (như ra mồ hôi, thấy muốn ngất xỉu và yếu mệt) trong khi có các hoạt động thể chất nên có thể không nhận ra. Nhà giáo dục tiểu đường, chuyên viên dinh dưỡng hoặc bác sĩ sẽ tư vấn nếu bạn cần điều chỉnh thuốc men, insulin hay kế hoạch ăn uống.

Nguồn: dịch và hiệu chỉnh từ Tổ chức về bệnh tiểu đường bang Victoria - Úc

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot