Dinh dưỡng điều trị cho trẻ bị táo bón

Ngày 12/09/2017

Dinh dưỡng điều trị cho trẻ bị táo bón

DINH DƯỠNG ĐIỀU TRỊ CHO TRẺ BỊ TÁO BÓN 
1.    Khái niệm

     Táo bón ở trẻ em là tình trạng một đứa trẻ có số lần đi đại tiện trong một tuần ít hơn bình thường hay đại tiện ra phân rắn, khô và kết thành từng cục nhỏ khiến phân khó xuất ra ngoài hoặc gây đau khi đi đại tiện. Đứa trẻ có thể cảm thấy bị đầy hơi hoặc đau vùng bụng - vùng giữa ngực và hông. Trẻ mắc chứng táo bón không thể tống xuất tất cả phân ra ngoài cơ thể.
     Táo bón cấp tính là loại táo bón đột ngột phát sinh và kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Còn táo bón mãn tính sẽ kéo dài trong khoảng thời gian lâu hơn, thậm chí là vài năm liền. Hầu hết chứng táo bón thường gặp là táo bón cấp tính và không gây nguy hiểm. Hiếm các trường hợp trẻ có thể bị táo bón mãn tính.
2.    Hậu quả của chứng táo bón ở trẻ em
     Chứng táo bón ở trẻ em có thể dẫn đến tình trạng vón phân nếu phân rắn cuốn quá chặt vào ruột kết và trực tràng mà phản ứng đẩy bình thường của kết tràng không đủ lực để phân xuất ra ngoài. Ngoài ra, táo bón cũng có thể gẫn đến nứt hậu môn- một vết nứt nhỏ ở vùng hậu môn có thể gây ra ngứa, đau hoặc chảy máu- hoặc sa trực tràng - tình trạng trực tràng thò ra khỏi lỗ hậu môn.
3.    Khuyến nghị về dinh dưỡng và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bị táo bón
     Gia tăng hàm lượng chất xơ trong chế độ ăn là biện pháp hữu hiệu trong điều trị táo bón. Khẩu phần ăn khuyến nghị hiện nay (DRI) đã cao hơn so với khẩu phần ăn thực tế của trẻ, do vậy khi tăng hàm lượng chất xơ trong chế độ ăn cần chú ý tăng ở mức độ dần dần, không nên tăng quá nhanh. Ngoài ra, không quên cung cấp đủ nước (6-8 cốc mỗi ngày) cho trẻ để chất xơ phát huy hiệu quả tốt nhất.
     Không phải tất cả chất xơ đều có thể giúp điều chỉnh độ nhuyễn cũng như kích thước của phân như nhau. Cám lúa mì là hiệu quả nhất giúp gia tăng lượng phân thải ra, sau đó là đến các loại trái cây, rau củ quả, yến mạch, ngô, đậu nành và chất keo trong trái cây chín (pectin). Nhìn chung, chất xơ đem lại tác dụng lớn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và chất xơ cũng có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật ở đại tràng, tăng giữ nước và một số yếu tố cơ học khác. Nên bổ sung chất xơ từ từ và điều chỉnh dựa vào các triệu chứng kèm theo.
     Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn hằng ngày của trẻ là vô cùng quan trọng để phòng ngừa cũng như điều trị táo bón. Các loại thực phẩm chứa chất xơ có thể đưa vào trong chế độ ăn của trẻ được phân theo 5 mức độ: i) hàm lượng chất xơ ít (<0,5g), ii) thấp (1g), iii) vừa phải (2g),  iv) cao (3g) và v) cao nhất (>4g) có trong các loại thực phẩm từ sữa, thực phẩm cung cấp đạm, trái cây, rau củ quả, bột mì và ngũ cốc, các món tráng miệng cũng như thực phẩm hỗn hợp.
     Các loại thực phẩm có chứa hàm lượng chất xơ ít bao gồm:
          •  Các sản phẩm từ sữa như phô-mai, kem, sữa, bánh pudding, và sữa chua
          •  Các loại thực phẩm chứa protein như thịt bò, thịt gà, trứng, cá, thịt lợn và thịt gà tây.
          •   Nước ép trái cây và dưa hấu.
          •   Các loại bánh mì và ngũ cốc Các món tráng miệng như sô-cô-la và bánh quy
          •   Thực phẩm hỗn hợp như nước giải khát, thực phẩm dầu mỡ, đồ ngọt.
     Hàm lượng chất xơ thấp có trong:
          •  Cocktail trái cây như:  đào, lê, dứa cherry, nho tươi, xoài
          •  Các loại rau quả như: cải bắp, súp-lơ, cần tây, dưa chuột, rau diếp, cải chân vịt, cà chua và nước ép cà chua.
          •  Các loại bánh làm từ lúa mì, lúa mạch đen, ngũ cốc, bột yến mạch. 
     Hàm lượng chất xơ vừa phải có trong:
          •  Các loại quả như: quả mơ, bưởi, đào, việt quất và dâu tây
          •  Củ quả như: đậu xanh, đậu và cải chân vịt
          •  Ngũ cốc
     Hàm lượng chất xơ cao có trong:
          •  Các loại quả như: táo, chuối quả chà là, cam, mận, mơ, nho sấy khô.
          •   Củ quả: bông cải xanh, cà rốt, ngô, khoai tây
     Hàm lượng chất xơ dồi dào nhất có trong:
          •  Một số loại đậu như: đậu gà, đậu thận, đậu lăng đậu ngự, đậu navy
          •  Một số loại quả như: quả bơ, quả lê, quả mâm xôi
          •  Ngũ cốc như: khoai tây, khoai lang, gạo, lúa mỳ, yến mạch
     Ăn đủ chất xơ là điều kiện quan trọng giúp hệ tiêu hóa ổn định và chống táo bón. Cha mẹ cần lựa chọn các loại thực phẩm có chứa hàm lượng chất xơ phù hợp để bổ sung cho trẻ.

4.    Dinh dưỡng điều trị: Chúng ta cần làm gì khi trẻ bị táo bón
     Đối với trẻ bị táo bón, cần phối hợp các biện pháp xử trí khác nhau, đó là thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi hành vi, và dùng thuốc.
     Những thay đổi trong chế độ ăn uống giúp điều trị chứng táo bón ở trẻ em bao gồm cho trẻ uống nước ép mận và ăn nhiều trái cây, rau củ quả. Trẻ em nên uống nước đầy đủ trong ngày. Bác sĩ sẽ cho biết lượng nước trẻ nên uống mỗi ngày dựa trên độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động cũng như nơi sinh sống của trẻ.
     Viện Dinh dưỡng và Ăn uống khuyến cáo rằng hàm lượng chất xơ tiêu thụ mỗi ngày nên tính theo công thức “số tuổi+5” gram. Ví dụ, đối với trẻ 7 tuổi, thì nên tiêu thụ “7+5” gram hay nói cách khác là 12 gram chất xơ mỗi ngày. Trẻ em thường ăn quá nhiều thực phẩm đã qua tinh chế và xử lí, hàm lượng chất xơ tự nhiên trong các loại thực phẩm này đã bị loại bỏ. Bác sĩ sẽ giúp lên kế hoạch một chế độ ăn với hàm lượng chất xơ thích hợp với trẻ. Đối với trẻ dễ bị táo bón thì cần phải hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa ít hoặc không chứa chất xơ, chẳng hạn như kem, phô-mai, thịt và các loại thực phẩm đã qua xử lí.
     Hơn nữa, cha mẹ nên khuyến khích những đứa trẻ lớn tuổi hơn đi vệ sinh trong thời gian ngắn sau bữa ăn để thúc đẩy hoạt động của đường ruột thường xuyên. Một số trẻ có thể phản ứng tốt với hệ thống củng cố. Những đứa trẻ vẫn còn đang trong quá trình hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh có thể cần dừng hướng dẫn trẻ sử dụng nhà vệ sinh cho đến khi chữa trị khỏi táo bón.
     Ngoài các biện pháp trên thì có thể cho trẻ dùng thuốc nhuận tràng. Thuốc nhuận tràng là loại thuốc giúp làm lỏng phân để tăng nhu động ruột. Các loại thuốc khác nhau có những công dụng khác nhau. Trẻ nên dùng thuốc cho đến khi thói quen đi cầu của trở lại bình thường trong một khoảng thời gian dài và trẻ không còn nín đại tiện. Nếu ngưng điều trị quá sớm, đứa trẻ có thể sẽ bị táo bón trở lại. Những người chăm sóc chỉ nên cho trẻ dùng thuốc khi được bác sĩ chỉ định uống.
     Nếu các biện pháp điều trị này vẫn không hiệu quả thì cần đưa trẻ đến bệnh viện.

     Những thông tin do chúng tôi cung cấp chỉ có giá trị tham khảo, không thay thế cho những tư vấn từ phía các bác sĩ và các nhân viên y tế. Ngoài ra, những lời khuyên chúng tôi cung cấp chỉ mang tính bổ sung, không đảm bảo hết các công dụng, hỗ trợ, phòng ngừa hay phản ứng phụ có thể xảy ra cho bệnh nhân nếu áp dụng. Những tư vấn của chúng tôi có thể cũng không bao quát hết được tình trạng sức khỏe cụ thể mà bệnh nhân đang mắc phải. Vì vậy, không nên trì hoãn hay bỏ qua việc đi khảm bác sĩ do bất cứ thông tin nào mà  imom.vn cung cấp. Độc giả nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng, ngừng lại hay thay đổi bất cứ một phác đồ điều trị nào và để xác định được tiến trình trị liệu phù hợp cho bản thân bạn.

Biên tập: Bs.Ths. Bùi Đại Thụ  
Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học

 

 
 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot