Dinh dưỡng cho trẻ từ 0 - 2 tuổi

Ngày 07/09/2017

Dinh dưỡng cho trẻ từ 0 - 2 tuổi

1.  Nguyên tắc cho trẻ ăn bổ sung:
          •   Bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung đúng thời điểm (tháng thứ 6 – 180 ngày), không sớm hơn hoặc muộn hơn. Vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt.
         •   Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. (thời gian tập cho ăn lỏng không lâu quá 2 tuần)
         •   Lượng thức ăn và số bữa ăn tăng theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp với khẩu vị của trẻ.
         •   Khi chế biến đảm bảo thức ăn mềm dễ nhai và dễ nuốt.
         •   Chế biến các thức ăn hỗn hợp giàu dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn sẵn có tại địa phương. Bát bột, bát cháo của trẻ ngoài bột và cháo ra cần thêm nhiều loại thực phẩm khác nhau để tạo nên màu sắc thơm ngon hấp dẫn, đủ chất. Ví dụ: cho thêm trứng để có màu vàng, thêm rau xanh để có màu xanh, thêm thịt, tôm, cua để có màu nâu. Trong một ngày không nên cho trẻ ăn một món giống nhau.
         •   Tăng đậm độ năng lượng của thức ăn bổ sung: thêm dầu, mỡ hoặc vừng, lạc (mè, đậu phộng) làm cho bát bột vừa thơm, vừa béo, mềm trẻ dễ nuốt lại cung cấp thêm năng lượng giúp trẻ mau lớn hoặc bổ sung bột men tiêu hóa.
         •   Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.
         •   Cho trẻ ăn nhiều hơn trong và sau khi bị ốm, cho trẻ ăn uống nhiều chất lỏng hơn đặc biệt khi bị tiêu chảy và sốt cao.
         •   Không nên cho trẻ ăn mì chính/ bột ngọt vì không có chất dinh dưỡng lại không có lợi.
         •   Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì cho ăn chất ngọt sẽ làm tăng đường huyết gây ức chế tiết dịch vị làm cho trẻ chán ăn, trẻ sẽ bỏ bữa hoặc ăn ít đi trong bữa ăn.
 
2.   Số lượng và số bữa ăn bổ sung:                                        
Khi bắt đầu ăn bổ sung, hệ tiêu hoá của trẻ cần có thời gian để thích nghi với thức ăn, trẻ cần học cách ăn, gia đình nên tập ăn cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn lượng tăng dần, lúc đầu 2-3 thìa nhỏ/lần  và 2 lần/ngày.
Số lượng thức ăn

Số lượng thức ăn

Tuổi

Loại thức ăn

Số bữa/ngày

Số lượng mỗi bữa

6- 8 tháng

Bột đặc, thức ăn nghiền

2-3 bữa chính + 1-2 bữa phụ + bú mẹ thường xuyên

2-3 thìa (lúc bắt đầu tập ăn) tăng dần lên 1/2 bát 250 ml

9 -11 tháng

Thức ăn thái nhỏ, nghiền hoặc thức ăn trẻ có thể cầm nắm được

3-4 bữa + 1-2 bữa phụ + bú mẹ

1/2 bát 250 ml

12-23 tháng

Thức ăn cùng với gia đình, có thể thái nhỏ hoặc nghiền

3-4 bữa + 1-2 bữa phụ + bú mẹ

3/4 đến 1 bát 250 ml

Lượng thức ăn trên tính cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ không được bú mẹ thì cho trẻ uống thêm 1-2 cốc sữa/ngày và ăn thêm 1-2 bữa/ngày

Tất cả trẻ nhỏ (6-24 tháng) đều được cho ăn đủ số bữa mỗi ngày theo khuyến nghị
3.  Độ đậm đặc của thức ăn bổ sung đáp ứng sự thiếu hụt năng lượng:                       
         •   Tất cả các loại thực phẩm đều cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, mỗi vùng có một loại thức ăn chính khác nhau (cơm, bột, cháo..) , nhìn chung các thức ăn này là nguồn cung cấp năng lượng chính nhưng chỉ riêng chúng thì không đủ các chất dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin...cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ vì vậy bên cạnh thức ăn chính trẻ cần được cung cấp thêm các loại thực phẩm khác (thịt, cá , rau củ...).
         •   Điều quan trọng là bạn phải biết tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương để chế biến thành thức ăn bổ sung phù hợp nhất với từng độ tuổi của trẻ.
         •   Dạ dày của trẻ rất nhỏ. Tại thời điểm tám tháng tuổi, dạ dày của trẻ mỗi lần có thể chứa khoảng 200 ml. Các loại thức ăn lỏng và loãng nhanh chóng chiếm đầy thể tích dạ dày của trẻ khi trẻ chưa nhận đủ năng lượng cần thiết  vì vậy cần lưu ý đến độ đậm đặc của thức ăn
         •   Độ đậm đặc của thức ăn giúp vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ vừa phù hợp với sức chứa của dạ dày trẻ.
 Các cách làm tăng đậm độ năng lượng thức ăn cho trẻ 
Thông thường thức ăn quá đặc làm trẻ khó nuốt, nên chúng ta cần làm tăng đậm độ năng lượng thay vì làm thức ăn quá đặc. Để tăng đậm độ năng lượng và dinh dưỡng có rất nhiều cách:
-   Đối với bột hay các lương thực khác
         •   Nấu với ít nước và làm bột đặc hơn
         •   Rang ngũ cốc trướckhi xay thành bột. Hạt bột rang không nở lắm nên cần ít nước trong khi nấu.
         •   Thêm các loại thực phẩm giàu năng lượng và dinh dưỡng vào trong bột, cháo.
                  o  Cho thêm một thìa sữa bột sau khi nấu.
                  o  Trộn bột đậu với bột ngũ cốc trước khi nấu.
                  o  Khuấy bột sệt lại với bột lạc hay vừng.
                  o  Thêm một thìa dầu ăn, mỡ hay bơ thực vật
-  Với những thực phẩm như đậu rau, thịt, cá : Nghiền hoặc băm nhỏ cho trẻ ăn cả cái thay vì chỉ cho trẻ ăn phần nước. Thay thế một phần (hay toàn bộ) nước dùng để nấu bằng sữa tươi hoặc, nước cốt dừa.
 
 4.  Thành phần của thức ăn bổ sung:
Đảm bảo mọi trẻ nhỏ được ăn đa dạng các loại thực phẩm, thành phần của  mỗi bữa ăn bổ sung cần có đủ bốn nhóm thức ăn cơ bản sau đây:
-   Nhóm thức ăn cơ bản: Đó là nhóm thức ăn cung cấp nhiệt lượng chủ yếu trong khẩu phần ăn. Ở nước ta thường dùng gạo, ngô, khoai được chế biến dưới dạng bột để sử dụng cho trẻ.
-   Nhóm thức ăn giàu protein:
         •   Thức ăn có nguồn gốc động vật: là các loại thức ăn có giá trị dinh dường cao như: Trứng, sữa, thịt, cá, tôm, cua, lươn, nhộng, phủ tạng như : gan.  Các loại thịt: lợn, bò, gà đều cho trẻ ăn được, không nhất thiết phải ăn toàn thịt nạc, mà nên sử dụng cả nạc lẫn mỡ.
         •   Thức ăn nguồn gốc thực vật: Đậu đỗ các loại: đậu đen, đậu xanh, đậu nành...Trong đó đậu nành (đậu tương) có hàm lượng prôtêin và lipít cao nhất. Đây là loại thức ăn khi ăn hỗn hợp với ngũ  cốc sẽ trở thành những thức ăn giàu dinh dưỡng như thức ăn động vật mà thường rẻ tiền hơn.
-   Nhóm thức ăn giàu năng lượng: Gồm dầu, bơ, mỡ, đường...Dầu và mỡ bổ sung năng lượng cho bữa ăn của trẻ.  Chúng còn làm cho thức ăn mềm hơn và dễ nuốt. Ngoài mỡ động vật nên cho trẻ ăn dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu nành ....Vì dầu có các tỉ lệ các axít béo không no cao hơn mỡ nên dễ hấp thu . Cho trẻ ăn dầu mỡ ngoài việc tăng năng lượng của khẩu phần ăn  còn giúp trẻ hấp thu dễ dàng các loại vitamin tan trong dầu như : Vitamin A ,E, D, K ...
-   Nhóm thức ăn giàu vitamin, chất khoáng và chất xơ: Rau xanh và quả chín là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng vô cùng phong phú.  Đây là loại thức ăn rất tốt đối với trẻ.  Các loại rau có lá màu xanh thẫm như: rau ngót,  rau muống, rau dền, mồng tơi, rau cải...đều chứa nhiều vitamin C và các vi chất như beta-caroten (tiền vitamin A), và sắt giúp trẻ phòng chống khô mắt và thiếu máu. Các loại quả chín: Đu đủ, xoài, chuối, cam, quýt, hồng xiêm....cũng chứa nhiều vi chất khi ăn lại không bị hao hụt do không phải nấu nướng.
 
5.  Cách lựa chọn và thay thế thực phẩm:

Đối với những vùng kinh tế khó khăn như : vùng sâu, vùng xa, miền núi có thể thay thế các loại thực phẩm trong thức ăn bổ sung của trẻ như sau:
         •   Nếu không có gạo có thể thay bằng ngô, khoai
         •   Trong nhóm thức ăn giàu prôtêin: nếu không có thịt trứng có thể thay bằng tôm, cua, cá, sữa bò thay bằng sữa đậu tương
         •   Thay thế đạm động vật: Thịt, trứng , sữa, tôm, cua, cá bằng đạm thực vật: Đậu tương, đậu xanh, đậu đen, vừng, lạc
         •   Dầu ăn thay bằng mỡ
 6.  Tầm quan trọng của việc sử dụng nhiều loại thực phẩm:
         •   Người lớn và trẻ lớn thường ăn nhiều loại thực phẩm trong một bữa ăn, tương tự như vậy, trẻ nhỏ cũng cần ăn nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn bổ sung.
         •   Để cung cấp thêm năng lượng cho trẻ, bên cạnh bữa ăn chính, có thể cho trẻ ăn thêm bữa phụ. Bữa ăn phụ tốt cần đảm bảo cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng như: sữa chua; các sản phẩm của sữa; bánh mỳ; bánh qui kèm bơ lạc, mật ong; hoa quả; bánh đậu xanh; khoai tây nấu chín...

  Lưu ý:  không nên nhầm lẫn giữa bữa ăn phụ với các đồ ăn vặt cho trẻ như kẹo, khoai tây chiên hoặc các sản phẩm khác.
         •   Ngoài tinh bột, gia đình nên cho trẻ ăn hàng ngày các loại rau xanh sẫm, củ quả màu vàng và thức ăn nguồn gốc động vật. Thức ăn có nguồn gốc động vật là thực phẩm quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Khó nhất là bù đắp sự thiếu hụt sắt và năng lượng. có thể cho trẻ ăn thêm thức ăn chế biến sẵn có bổ sung sắt để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
         •   Nếu không có thức ăn giàu sắt thì CBYT cần khuyến khích gia đình cho trẻ uống bổ sung viên chứa sắt và yếu tố vi lượng.
 Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm (với 4 nhóm thực phẩm hoặc nhiều hơn)
Nguồn: Tài liệu học viên "Tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại các cơ sở y tế"- 3/2014 - Dự án Alive and Thrive

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot