CUỘC HÀNH TRÌNH UNG THƯ CỦA BẠN (PHẦN 1)

Ngày 30/10/2018

Cuộc hành trình ung thư của bạn

Chẩn đoán ung thư đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc hành trình đầy thách thức về tinh thần, tâm lý, thế chất và thực tế. Một số những thách thức này rất phổ biến với nhiều người mắc bệnh ung thư và những người đang phải đối mặt với những người bị chẩn đoán mắc một loại ung thư cụ thể.

Những thách thức này có thể liên quan đến cú sốc về việc bị chẩn đoán mắc ung thư và nỗi sợ hãi về tương lai. Hoặc có thể chúng do các tác dụng phụ về thể chất của việc điều trị như buồn nôn và mệt mỏi. Ngoài ra còn có các chi phí điều trị thực tế cần phải giải quyết và những tác động tài chính của việc phải có thời gian nghỉ việc. Các vấn đề tinh thần cụ thể hơn có thể là từ việc lo ngại về hình ảnh cơ thể sau khi điều trị cho đến các giai đoạn lo âu hoặc trầm cảm.

Cuộc hành trình tinh thần, thể chất và thực tế của một số người có thể đi theo một hướng khác hoàn toàn nếu ung thư quay trở lại. Có những người phải đối phó với các thách thức sinh tồn trước ung thư.

Các vấn đề tinh thần

Khi lần đầu tiên bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, nhiều người cảm thấy giận dữ, sốc, đau khổ, hoài nghi và sợ hãi về tương lai của họ. Một số người khác trải qua cảm giác đau buồn, tuyệt vọng hay mất mát.

"Bác sĩ nói ra từ 'ung thư' với tôi thế là tôi ngay lập tức sa sẩm. Ông ấy đâu có nói chuyện với tôi. Ông đang nói chuyện với ai đó khác đấy chứ".

Những người khác bảo rằng tinh thần của họ đã thực sự bị đánh gục họ khi việc điều trị kết thúc và họ có thời gian và không gian để suy nghĩ về những gì đã xảy ra.

Không phải ai cũng cảm thấy như vậy về việc chẩn đoán và điều trị ung thư. Nhiều người cảm thấy khó khăn để nói về cảm xúc của mình.

Ai cũng trải qua một loạt những cảm xúc tại các thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Nhưng khi những cảm xúc có liên quan đến ung thư, chúng có thể kéo dài thời gian dài hơn và ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của bạn.

Đối với nhiều người, những cảm xúc này sẽ giảm theo thời gian. Tuy nhiên, việc chăm sóc tinh thần cũng quan trọng như chăm sóc thể chất của bạn trong suốt cuộc hành trình ung thư.

Các vấn đề tâm lý

Cùng với việc ảnh hưởng đến sự vui vẻ bình an về tinh thần chung của bạn, việc sống chung với bệnh ung thư có thể thay đổi cách suy nghĩ về bản thân và việc bạn liên quan đến những người khác trong cuộc sống như thế nào.

Bạn có thể gặp:

  • Các thay đổi trong cách bạn cảm nhận về cơ thể của bạn sau khi điều trị ung thư. Điều này có thể là do sẹo hoặc những sự thay đổi của cơ thể sau khi phẫu thuật hoặc các tác dụng phụ của việc điều trị như tăng cân và rụng tóc.
  • Các thay đổi trong cách bạn cảm nhận về tình dục và sự gần gũi. Điều này có mối liên quan chặt chẽ với hình ảnh cơ thể của bạn, lòng tự trọng và tâm trạng của bạn và việc bạn thấy trong người thế nào.
  • Căng thẳng mối quan hệ với những người thân thiết với bạn, đặc biệt là người bạn đời của bạn. Chẩn đoán ung thư có thể cũng gây ra sự nặng nề và đau buồn cho người bạn đời và các thành viên gia đình thân thiết khác chẳng kém gì người bị chẩn đoán.
  • Những thách thức trong việc xây dựng một mối quan hệ mới. Nhiều người thấy khó khăn khi không biết có thể nói với một người chưa biết về bệnh ung thư của họ bằng cách nào, khi nào và ở mức độ nào. Nhiều người cũng ý thức được về cách mà cơ thể của họ đã thay đổi sau khi điều trị.
  • Nhiều người bị ung thư sẽ cảm thấy đau khổ vào những thời điểm khác nhau. Một số người có phản ứng tinh thần nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm ở mức độ cao.

Lo âu

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy bị kích động hoặc tức giận, hoặc bạn khó ngủ, khó tập trung hoặc đưa ra quyết định, bạn có thể bị lo âu ở mức độ cao. Các triệu chứng lo âu khác gồm có việc lảng tránh các vấn đề và tình trạng trầm uất và cảm thấy cần một nhu cầu được trấn an thường xuyên. Những cảm giác lo âu có thể tác động mạnh đến chất lượng cuộc sống của bạn và cuộc sống của những người xung quanh bạn.

"Tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ những người hàng xóm nhưng tôi đã thực sự, thực sự buồn nản. Tôi đã lo sốt vó."

Trầm cảm

Trầm cảm là một vấn đề rất phổ biến trong cộng đồng. Tỷ lệ trầm cảm thậm chí còn cao hơn ở những người bị bệnh ung thư. Khoảng một phần ba số người bị ung thư có thể bị trầm cảm tại một thời điểm nhất định.

Một số dấu hiệu cảnh báo quan trọng của trầm cảm bao gồm luôn luôn cảm thấy yếu đuối và trống rỗng và không còn quan tâm đến những điều mà bạn trước kia rất thích thú. Khó ngủ hoặc chán ăn cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm. Tuy nhiên, đôi khi cũng sẽ khó có thể nói rằng việc chán ăn của bạn là một triệu chứng của bệnh trầm cảm hay là do tác dụng phụ của việc điều trị. Trầm cảm có thể khiến cho việc đối phó với các triệu chứng về thể chất và để đương đầu với bệnh ung thư khó khăn hơn.

Một số người thường tránh nói về những mối lo ngại trong cảm xúc hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ vì họ cảm thấy họ cần phải đối mặt hoặc họ không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Một số người khác được khuyến khích bởi những người xung quanh để trở nên mạnh mẽ và tích cực, có thể lại khiến cho việc yêu cầu giúp đỡ trở nên khó khăn hơn.

Điều quan trọng là cần biết rằng có rất nhiều phương pháp điều trị hiệu quả và dịch vụ hiện có để giúp bạn vượt qua bất kỳ thách thức nào mà bạn có thể phải đối mặt.
Các vấn đề thể chất 

Người bị ung thư gặp phải một loạt các triệu chứng thể chất và tác dụng phụ của việc điều trị. Chúng có thể bao gồm buồn nôn và nôn, đau nhức, mệt mỏi liên tục, vấn đề về khả năng sinh sản và hạch bạch huyết (sưng trong một vùng của cơ thể). Một số người cũng nói rằng họ cảm thấy khó khăn để tập trung hoặc suy nghĩ rõ ràng trong quá trình hóa trị.

Các triệu chứng không cần phải đe dọa tính mạng mới ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn. Ví dụ, khô miệng, thay đổi khẩu vị và khó ăn đồ nóng thường gặp phải ở một số người sau khi điều trị và có thể gây ra một tác động lớn đến các hoạt động xã hội và cuộc sống gia đình hàng ngày của bạn.

"Nếu tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi thì tôi sẽ nghĩ rằng 'Được thôi, chỉ cần chậm lại một chút'. Tôi đang học cách nói 'không, tôi không làm việc đó ngày hôm nay, tôi sẽ làm sau vậy hoặc tôi sẽ bảo một người khác giúp tôi làm việc đó."

Mọi người sẽ phản ứng khác nhau với các vấn đề thể chất khác nhau. Nhưng điều quan trọng là phải biết rằng đau khổ gây ra bởi các vấn đề về thể chất có thể làm tăng khả năng của bạn gặp phải sự lo âu và trầm cảm. Nhiều trong số những triệu chứng này sẽ biến mất sau khi điều trị xong, nhưng hãy nói chuyện với đội điều trị của bạn nếu các triệu chứng thể chất của bạn hoặc điều trị tác dụng phụ ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn.

Bạn cũng có thể thấy rằng việc chẩn đoán bị ung thư có ảnh hưởng lớn hơn lên một số phần hoặc "vai trò" trong cuộc sống của bạn so với những thứ khác. Ví dụ, bạn có thể thấy rằng bạn không thể làm tất cả những công việc chân tay mà bạn hay làm ở nhà trước kia, nhưng ung thư không thay đổi khả năng làm việc của bạn. Hoặc ngược lại, một số người có thể có các thay đổi nhỏ ở nhà nhưng thấy họ cần thời gian dài nghỉ việc hoặc có thể phải nghỉ việc hoàn toàn. Tác động của bệnh ung thư trên các vai trò khác nhau của bạn có thể thay đổi ở các giai đoạn khác nhau trong suốt cuộc hành trình ung thư của bạn.

Các vấn đề thực tế

Sau khi bị chẩn đoán ung thư, có nhiều vấn đề thực tế đáng để suy nghĩ. Chúng có thể bao gồm các chi phí điều trị, các dịch vụ hỗ trợ, du lịch, ăn ở, chăm sóc trẻ em hoặc các mặt hàng cụ thể như tóc giả hoặc các bộ phận giả. Ngoài ra, vấn đề về tài chính hiện tại cũng đáng để suy nghĩ nếu bạn thấy khó khăn để làm việc sau khi điều trị.

"Tôi đã tham gia hết chương trình hỗ trợ bệnh nhân du lịch của chúng tôi. Họ đã kiếm một nơi ở không xa bệnh viện phù hợp với các tiêu chuẩn, cho nên, họ đã chi trả hóa đơn."

Những thách thức thực tế cũng có thể có ảnh hưởng đến gia đình của bạn. Đôi khi người ta cảm thấy có lỗi vì nghĩ rằng việc điều trị ung thư của họ đồng nghĩa với việc những người còn lại trong gia đình phải thay đổi lối sống hàng ngày trước đây. Có thể là con cái cần phải làm thêm việc nhà hoặc ngân sách phải chặt chẽ hơn một chút.

"Tôi đã phải tìm người giữ trẻ trong lúc tôi điều trị, hoặc phải đưa con trai đến bệnh viện với tôi. Tôi chẳng hay biết rằng mình có thể được giúp đỡ."

Sự lo ngại về những vấn đề thực tế có thể ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, đặc biệt là nếu nó làm gián đoạn hoạt động hàng ngày của bạn.

Hãy nhớ rằng, chăm sóc tình cảm của bạn và hỗ trợ xã hội cũng quan trọng như chăm sóc thể chất trong cuộc hành trình ung thư của bạn.

Đồng hành

Bệnh ung thư của bạn cũng ảnh hưởng đến những người xung quanh bạn - gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Người bạn đời hoặc con cái của bạn có thể thấy việc đối mặt là khó khăn và cũng cần sự hỗ trợ.

Người bạn đời có thể gặp những sự căng thẳng ở mức độ cao hơn so với người bị ung thư và có các nhu cầu thông tin khác nhau. Con cái có thể bị căng thẳng đặc biệt nếu chúng không thể nói về bệnh ung thư của cha mẹ.

"Tôi nghĩ rằng đó là điều thực sự khó khăn cho những người xung quanh bạn, thật đáng bực bội, không có thực sự nhiều điều mà mọi người có thể làm được, ngoại trừ việc có mặt ở đó."

Bạn có thể thấy rằng một số bạn bè và đồng nghiệp không biết làm thế nào để nói chuyện với bạn về bệnh ung thư và có xu hướng tránh xa. Một số người khác có thể gây cho bạn sự ngạc nhiên thú vị bằng mức độ hỗ trợ và hiểu biết của họ. 

“Một số người bạn đối phó rất tốt, còn một số khác thì... họ chẳng biết phải nói gì cả”

Khi con đường trở lên gập ghềnh

Có những lúc trong cuộc hành trình ung thư, bạn có thể trải qua sự đau khổ hay lo âu ở mức độ cao hơn, chẳng hạn như khi bạn lần đầu tiên bị chẩn đoán hoặc tại thời điểm phẫu thuật. Một số người cũng gặp phải sự căng thẳng đáng kể khi họ bắt đầu các liệu pháp nội tiết hoặc hóa trị hoặc khi kết thúc việc điều trị.

Việc cảm thấy sợ hãi và lo lắng rằng ung thư có thể trở lại trong nhiều năm sau khi điều trị kết thúc là rất bình thường. Nhiều người thấy nỗi sợ hãi này đặc biệt cao trong khoảng thời gian đi khám sức khỏe định kì.

"Mức độ căng thẳng cứ tăng dần dần khi phải đi khám. Tôi có xu hướng bồn chồn hơn và cảm thấy lo lắng khi tới kì khám bệnh."

Nếu ung thư không trở lại, có thể có cả một loạt những thách thức mới để đối phó. Nhiều người thấy những tin tức về tái phát ung thư còn ghê gớm hơn so với chẩn đoán ung thư ban đầu. Nó mang lại những sự lo lâu và không chắc chắn ở cấp độ mới cho cả người bị chẩn đoán và gia đình họ. Trong khi tập sách này không đề cập cụ thể về những thách thức của ung thư đã tiến triển, có rất nhiều người sẵn sàng có thể giúp bạn, bao gồm cả đội điều trị, các nhóm hỗ trợ và cố vấn tâm linh của bạn.

Có một số người bị ung thư có thể thấy rằng cuộc hành trình sẽ chông gai hơn vì tuổi tác, hoàn cảnh gia đình hoặc các vấn đề khác.

  • Những người trẻ tuổi hơn có thể đặc biệt lo ngại về các tác động của bệnh ung thư đối với người bạn đời và con cái của họ và có thể thấy cảm giác bị cô lập.
  • Những người gặp trắc trở trong hôn nhân hoặc gia đình có thể cảm thấy như họ không có đủ sự hỗ trợ.
  • Những người đã có con cái thường cảm thấy có lỗi về tác động mà bệnh ung thư ảnh hưởng đến có con cái của họ và có thể phải đối mặt với áp lực bổ sung về tài chính và chăm sóc trẻ.
  • Những người độc thân có thể cảm thấy bị cô lập hoặc có những nỗi sợ hãi về việc bắt đầu một mối quan hệ mới.
  • Những người đã phải đối mặt với các sự kiện cuộc sống căng thẳng trong quá khứ có thể thấy căng thẳng hơn trong cuộc hành trình ung thư.
  • Những người gặp phải vấn đề tài chính có thể phải đối mặt với chi phí điều trị tăng thêm và thời gian phải nghỉ việc.
  • Những người đã bị trầm cảm hoặc lo âu trong quá khứ có thể có nhiều nguy cơ sẽ phải trải qua các thời gian bị trầm cảm hơn.
  • Những người có hoặc đã có vấn đề với rượu hoặc ma túy có thể gặp phải cảm xúc buồn khổ hơn.
  • Phụ nữ nhiều khả năng cảm thấy lo âu hay trầm cảm hơn nam giới, và cả các vấn đề về tình dục hay hình ảnh cơ thể của họ.

Đây không phải là một danh sách đầy đủ và sẽ có rất nhiều người khác thấy rằng con đường sẽ gập ghềnh hơn một chút vì hoàn cảnh cá nhân của họ. Những người có nguồn gốc về văn hóa và ngôn ngữ khác nhau có thể cảm thấy bị cô lập và cảm thấy khó nói về bệnh ung thư của họ với bạn bè và gia đình vì văn hóa tín ngưỡng của họ

Làm thế nào để bạn biết những gì bạn đang cảm nhận là bình thường hay không?

Đôi khi để nói ra được bạn đang cảm nhận ra sao thật là khó. Các công cụ kiểu như một nhiệt kế buồn khổ có thể rất hữu ích trong việc giải thích những gì bạn đang gặp phải.

Hỗ trợ bên ngoài

Có được sự hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán và điều trị của bạn là rất quan trọng. Có được sự hỗ trợ tốt từ gia đình và bạn bè, từ các chuyên gia y tế hoặc các dịch vụ hỗ trợ đặc biệt sẽ làm cho việc đối phó với việc bệnh ung thư dễ dàng hơn rất nhiều.

Bạn có thể thấy hữu ích khi nói chuyện với người bạn đời của bạn, một người bạn hoặc thành viên gia đình, những người làm cho bạn cảm thấy thoải mái. Bạn có thể thích tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia y tế hoặc những người đã gặp phải một trải nghiệm tương tự. Hoặc nếu nỗi lo âu hay sợ hãi của bạn thật nặng nề, có nhiều kỹ thuật và liệu pháp khác nhau có thể trợ giúp.

Cuộc hành trình ung thư của bạn không phải lúc nào cũng theo một con đường thẳng và bạn không thể lúc nào cũng lường trước những va chạm và sự ngoắt ngoéo dọc theo đường đi. Nói về cảm xúc và lo ngại của bạn có thể làm cho cuộc hành trình trơn tru hơn nhiều. Nó cũng có thể giúp bạn nhận ra bất kỳ vấn đề tinh thần nào mà bạn có thể phải đối mặt. Điều quan trọng cần biết là sự giúp đỡ và các phương pháp điều trị khác nhau luôn sẵn sàng và có thể cải thiện mạnh chất lượng sống của bạn.

Tham khảo các sản phẩm dinh dưỡng dành cho người bệnh ung thư tại đây

Nguồn: Tổ chức bệnh ung thư - Úc

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot