Chuẩn bị một bữa ăn hợp vệ sinh

Ngày 07/09/2017

Chuẩn bị một bữa ăn hợp vệ sinh

CHUẨN BỊ MỘT BỮA ĂN HỢP VỆ SINH 

 1.      Tại sao cần cho trẻ ăn bổ sung (ABS) sạch, hợp vệ sinh
     Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung (trên 6 tháng tuổi) sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn vì:
•    Các bữa ăn thay thế dễ bị nhiễm khuẩn trong quá trình lựa chọn thực phẩm và chế biến thức ăn bổ sung
•    Trẻ bú mẹ giảm đi do đó kháng thể được cung cấp từ sữa mẹ cũng giảm .
     -   Thức ăn bổ sung sạch, an toàn là yếu tố quan trọng, cần thiết để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
     -   Để có được một bữa ăn bổ sung sạch và an toàn cho trẻ bà mẹ cần đảm bảo thực hiện 4 sạch:
               •    Bàn tay sạch
               •    Dụng cụ sạch
               •    Thực phẩm và nước sạch
               •    Nơi bảo quản sạch
2.      Chuẩn bị thức ăn bổ sung sạch hợp vệ sinh
     Bàn tay sạch
•    Luôn rửa bàn tay sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh cho trẻ, sau khi đổ bô và thay tã cho trẻ. Sau khi chế biến thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn như thịt sống, thịt gia cầm. Sau khi sờ tay vào các loại động vật. Trước khi chuẩn bị hoặc chế biến thức ăn. Trước khi ăn và cho trẻ ăn
•    Điều quan trọng là phải rửa tay bằng xà phòng, nước chảy từ vòi hoặc nước chứa sạch, rửa lòng bàn tay, kẽ ngón tay và móng tay, mu bàn tay.Hãy để tay khô tự nhiên hoặc lau khô bằng khăn sạch. Không nên lau tay vào quần áo đang mặc hoặc dùng khăn chung với người khác.
     Dụng cụ sạch
•    Bạn cần giữ dụng cụ và bề mặt để chuẩn bị thức ăn sạch. Sử dụng bàn hoặc lót nồi sạch mỗi khi sử dụng. Nếu có thể bạn hãy sử dụng bàn chải mềm để rửa cả các ngóc ngách của dụng cụ. Sử dụng nắp đậy dụng cụ đựng thức ăn tránh côn trùng và bụi bẩn.
•    Thìa, cốc, chén, bát… dùng cho trẻ cần rửa sạch bằng nước rửa chén ngay sau khi dùng và cất ở nơi khô ráo.
•    Người chăm sóc trẻ cần sử dụng thìa khác khi nếm thức ăn cho trẻ.
     Thực phẩm và nước an toàn
     Nước sạch:  Đun sôi nước trước khi sử dụng. Đun sôi sẽ diệt được hầu hết mầm bệnh. Nước đun sôi là khi mặt nước sôi sùng sục trong 1 đến 2 giây.
     -   Chứa nước trong các dụng cụ sạch, có nắp đậy. Dụng cụ chứa nước tốt nhất là có miệng hẹp và có vòi để hứng nước chảy ra. Điều này để tránh việc mọi người dùng cốc hoặc cả tay vào để lấy nước.
     -   Khi nước để hơn 48 giờ nên sử dụng vào việc khác như nấu ăn hoặc cho trẻ lớn hơn uống.
     -   Khi cho trẻ ăn thức ăn bổ sung, bà mẹ nên cho trẻ ăn ngay sau khi chế biến, đặc biệt đối với thức ăn loãng.
     Thực phẩm sạch: khi mua thực phẩm cho trẻ cần lựa chọn các thực phẩm tươi, có nguồn gốc và hạn sử dụng rõ dàng . Hạn chế dùng các loại đồ hộp làm thức ABS cho trẻ
     Bảo quản an toàn

     Đọc thêm :
     1. Rửa cốc: Không cần phải luộc cốc. Để làm sạch cốc, chỉ cần dùng bàn chải và rửa cốc bằng nước xà phòng nóng mỗi lần sử dụng. Nếu có điều kiện có thể ngâm cốc vào nước nóng hoặc tráng qua nước nóng trước khi sử dụng nhưng cũng không cần thiết phải làm như vậy. Cốc miệng rộng và bề mặt nhẵn là dễ rửa nhất. Tránh làm xước bề mặt cốc vì nơi đó sữa dễ bám vào và làm cho vi khuẩn phát triển.
     2. Rửa bình sữa và núm vú
     -   Cần rửa qua bình và núm vú ngay sau khi dùng bằng nước lạnh, rồi dùng bàn chải cọ bên trong bình sữa với nước xà phòng nóng.
     -   Bạn nên tiệt khuẩn ít nhất một lần mỗi ngày. Cách tiệt khuẩn bao gồm:
•    Đun sôi  bình sữa ngập trong nước. Khi đun cần sôi sùng sục trong ít nhất 10 phút.
     -   Cần lộn ngược núm vú ra và dùng bàn chải rửa với nước muối hoặc nước rửa. Cũng nên luộc hoặc ngâm trong dung dịch để tiệt khuẩn.
    3. Năm điểm chính để có thức ăn an toàn
     Giữ sạch
•    Rửa tay trước khi cầm thức ăn và thường xuyên khi chuẩn bị bữa ăn
•    Rửa tay sau khi đi vệ sinh, thay vệ sinh cho trẻ hoặc tiếp xúc với động vật.
•    Rửa sạch tất cả các bề mặt và dụng cụ để chế biến và đựng thức ăn
•    Bảo vệ bếp và thức ăn khỏi côn trùng, sâu bọ và các động vật khác.
     Để riêng thức ăn sống và chín
•    Để riêng thịt sống, gia cầm và hải sản với các thức ăn khác
•    Sử dụng dụng cụ đựng và thớt thái thức ăn sống và chín riêng
•    Phải đậy nắp dụng cụ chứa thức ăn khi bảo quản để tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và chín.
     Nấu chín
•    Thức ăn phải nấu chín đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng và hải sản
•    Các thức ăn như cháo, rau cần đun sôi. Còn đối với thịt và gia cầm cần nấu chín và không còn màu hồng.
•    Cần đun sôi đều thức ăn khi hâm lại. Đảo thức ăn lên trong khi hâm.
     Bảo quản thức ăn ở nhiệt độ an toàn
•    Không để thức ăn chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ
•    Không để thức ăn quá lâu kể cả để ở tủ lạnh
•    Không để thức ăn đã rã đông ở nhiệt độ phòng
•    Lý tưởng nhất là cho trẻ nhỏ ăn ngay sau khi chế biến và không để lâu sau khi nấu.
     Sử dụng nước an toàn và thực phẩm tươi
•    Dùng nước sạch hoặc nước đã lọc cho an toàn
•    Chọn thực phẩm tươi
•    Sử dụng sữa đã tiệt khuẩn
•    Rửa hoa quả bằng nước an toàn đặc biệt là các thực phẩm ăn sống
•    Không sử dụng thực phẩm quá hạn

Nguồn: Tài liệu học viên "Tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại các cơ sở y tế"- 3/2014 - Dự án Alive and Thrive
 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot