Chăm sóc đúng cách trẻ bị ho, cảm tại nhà

Ngày 07/09/2017

 Chăm sóc đúng cách trẻ bị ho, cảm tại nhà

Chăm sóc đúng cách trẻ bị ho, cảm tại nhà

Khi thời tiết thay đổi, trẻ em rất dễ bị viêm đường hô hấp. Trong đó, đa số là bệnh nhẹ với các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.
Về mặt khoa học ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể vì giúp tống xuất nhanh những tác nhân gây bệnh ở đường hô hấp như vi khuẩn, vi rút, khói bụi ô nhiễm…hạn chế mầm bệnh có thể gây bất lợi cho trẻ. Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính vẫn được xem là căn bệnh phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ.
Theo nhận định của các nhà khoa học, tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi hầu hết do nhiễm siêu vi nếu được theo dõi và chăm sóc đúng cách, nhất là triệu chứng ho cảm sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn trong thời gian bị bệnh và mau hồi phục.


Cách chăm sóc trẻ bị ho cảm tại nhà:
- Tiếp tục cho trẻ ăn, bú: khi bị bệnh trẻ thường biếng ăn, biếng bú. Phụ huynh nên khuyến khích và cho trẻ ăn, bú nhiều lần trong ngày theo khả năng của trẻ, không nên “ép trẻ ăn”. Nếu trẻ bị tắc mũi hoặc nghẹt mũi, phụ huynh cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng nước muối loãng 0,9% giúp trẻ nhỏ có thể bú mẹ hoặc ăn uống dễ dàng hơn.
- Cho trẻ uống đủ nước: trẻ được bổ sung đầy đủ nguồn nước sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, trẻ sẽ mau “lướt qua” bệnh tật để sớm hồi phục.
- Nếu trẻ ho nhiều khiến trẻ khó chịu quấy khóc hoặc nôn ói nhiều: nên cho trẻ uống những loại thuốc ho an toàn từ dân gian như: mật ong hấp gừng, lá húng chanh (tần dày lá) hoặc các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo mộc – thảo dược chế biến sẵn theo khuyến cáo của bác sĩ điều trị.


Làm thông thoáng mũi cho trẻ theo những cách đơn giản:
- Trẻ lớn: hướng dẫn trẻ hỉ mũi đúng cách, hỉ mũi từng bên bằng cách dùng một ngón tay đè một bên mũi, hỉ mạnh bên kia và làm ngược lại (chú ý không được bịt hai mũi cùng một lúc).
- Trẻ nhỏ: phụ huynh dùng khăn giấy sạch, mềm xếp góc nhọn (bấc sâu kèn), đưa vừa đủ vào mũi trẻ. Làm vài lần đến khi sạch nước mũi. Trong trường hợp nước mũi đặc gây nghẹt mũi nhiều, phụ huynh nên dùng dung dịch natriclorua 0,9% (nước muối sinh lý) nhỏ 2-3 giọt mỗi bên mũi, sau đó dùng giấy mềm làm sạch mũi như trên.


Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị ho, cảm:
- Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo không cho trẻ em dưới 6 tuổi dùng thuốc ho và cảm chứa thuốc kháng histamin. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, phải chọn loại thuốc dành riêng cho trẻ em và nên chọn loại đơn chất có tác dụng giảm đau, hạ sốt như paracetamol hay ibuprofen. Không nên chọn các loại thuốc phối hợp nhiều thành phần như các biệt dược decolgen, tiffy, alaxan…
- Không được cho trẻ em uống 2 hay nhiều thuốc có cùng hoạt chất trong cùng một lần. Đối với các loại thuốc cảm có phối hợp với các chất chống dị ứng phải hết sức thận trọng.
- Cha mẹ phải cho trẻ dùng thuốc đúng với liều khuyên dùng , dùng các dụng cụ đo lường đi cùng với chai thuốc dạng bào chế cho trẻ.
- Cần chú ý giữ thuốc xa tầm với của trẻ em để tránh trường hợp trẻ tự lấy thuốc uống, nhất là với các lọ thuốc dạng lỏng như si-rô.
- Không dùng miệng để hút mũi trẻ vì có thể lây bệnh truyền nhiễm.
- Không dùng tăm bông để ngoáy mũi vì có thể làm tổn thương mũi trẻ.
Trong nhiều trường hợp, bệnh ho, cảm tự biến mất trong vài ngày mà không cần dùng bất cứ một loại thuốc nào. Nếu trẻ chỉ ho và hơi sốt nhẹ, cha mẹ nên theo dõi, tránh gió và quạt khiến trẻ bị cảm lạnh. Nhiều khi chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi và dinh dưỡng tốt là đủ…
Nếu trẻ có những biểu hiện sau cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt:
•    Trẻ bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú.
•    Nôn tất cả mọi thứ và liên tục.
•    Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã cho trẻ hạ sốt tích cực.
•    Trẻ bị co giật, lừ đừ hoặc hôn mê.
•    Trẻ thở khác ngày thường: thở nhanh, thở mệt, thở co lõm ngực hoặc tím tái.
•    Trẻ ngủ li bì, ngủ nhiều hơn bình thường và khó lay gọi.
Nguồn: Internet

 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot