Các vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc tiểu đường hàng ngày (Phần 1)

Ngày 12/09/2017

Các vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc tiểu đường hàng ngày (Phần 1)

Bệnh tiểu đường không thể chữa được nhưng có thể kiểm soát được. Kiểm soát lượng đường trong máu cũng như huyết áp và cholesterol (mỡ máu) là cách tốt nhất phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.
Những điều cần chú ý hàng ngày

Để kiểm soát bệnh tiểu đường, đây là những điều cần làm hàng ngày.
           • Sử dụng thuốc

           • Theo dõi lượng đường trong máu

           • Kiểm tra huyết áp

           • Kiểm tra chân

           • Chăm sóc răng miệng

           • Bỏ thuốc lá

           • Ăn uống đầy đủ.

           • Hoạt động tích cực.

 Sử dụng thuốc tiểu đường

Những người bị tiểu đường tuýp 1 kiểm soát lượng đường trong máu của họ bằng hóc môn tụy - được cung cấp bằng cách tiêm hoặc bơm. Nhiều bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Những người khác cần dùng thuốc uống hoặc hóc môn tụy, và một số người vừa cần sử dụng hóc môn tụy cũng như thay đổi lối sống.

Hãy thảo luận với bác sĩ nếu bạn cần dùng aspirin mỗi ngày để đề phòng đau tim hoặc đột quỵ

Theo dõi lượng đường trong máu

Một trong những cách tốt nhất để tìm hiểu xem bạn đang kiểm soát bệnh tiểu đường tốt như thế nào là làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ đường huyết  của bạn. Nếu trong máu của bạn có quá nhiều hoặc quá ít đường, bạn có thể cần thay đổi chế độ ăn, tập thể dục, hoặc thuốc men.

Hỏi bác sĩ xem bao lâu bạn cần kiểm tra mức đường huyết một lần. Một số người kiểm tra đường huyết mỗi ngày một lần. Những người khác kiểm tra ba lần một ngày hoặc thậm chí nhiều hơn. Bạn có thể được yêu cầu kiểm tra trước khi ăn, trước khi đi ngủ, và đôi khi vào giữa đêm.
Bác sĩ hoặc cán bộ y tế sẽ hướng dẫn cho bạn cách kiểm tra đường huyết bằng cách sử dụng máy đo đường huyết.

Kiểm tra huyết áp

Kiểm tra huyết áp của bạn nếu bác sĩ yêu cầu và hãy ghi chép lại các kết quả kiểm tra này. Bạn có thể kiểm tra huyết áp tại nhà bằng thiết bị theo dõi hoặc máy đo huyết áp tại nhà. Các máy theo dõi huyết áp hoặc máy đo huyết áp có thể mua tại các cửa hàng thiết bị y tế và cửa hàng thuốc.

Khi bạn sử dụng máy đo huyết áp ở nhà, ngồi thẳng lưng và hai bàn chân đặt trên sàn nhà. Đặt tay ở vị trí thoải mái trên bề mặt ngang tầm với tim. Bạn có thể thảo luận thêm với bác sĩ hoặc cán bộ y tế để được hướng dẫn để đảm bảo bạn sử dụng máy đo huyết áp đúng cách

Kiểm tra chân

Chăm sóc chân rất quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Mức đường huyết cao và làm giảm lượng máu cung cấp cho chân tay gây tổn thương dây thần kinh làm giảm cảm giác ở bàn chân. Một người bị tổn thương dây thần kinh có thể không cảm thấy một viên sỏi bên trong tất của mình gây ra đau đớn hoặc chân bị phồng rộp  do đi giày không vừa. Các vết thương này có thể gây loét, nếu không được chăm sóc tốt, một số trường hợp hoại tử dẫn đến việc phải cắt cụt chi.

Nếu bạn bị tiểu đường:

           • kiểm tra bàn chân hàng ngày và theo dõi bất kỳ vết cắt, vết loét, đốm đỏ, sưng, và móng chân bị nhiễm trùng.

           •  Báo cho bác sĩ của bạn về các vết loét, vết phồng rộp, vết xước trên da, nhiễm trùng, hoặc vết chai chân.

           • Không bao giờ đi chân đất.

           • Cần được kiểm tra chân tại mỗi lần khám bác sĩ.

           • Cởi giày và  tất của bạn ra khi bạn đi vào phòng khám. Điều này sẽ nhắc nhở bác sĩ kiểm tra bàn chân của bạn.


Nguồn: Nutimed.com  dịch và hiệu chỉnh từ The National Library of Medicine - Viện sức khỏe Hoa Kỳ
 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot