Bệnh loãng xương

Ngày 12/09/2017

 Bệnh loãng xương

BỆNH LOÃNG XƯƠNG 
Bệnh loãng xương là gì?

       Loãng xương là một loại bệnh làm loãng và suy yếu xương đến mức mà chúng trở nên dễ gãy. Phụ nữ và nam giới mắc chứng loãng xương hầu hết thường bị gãy xương ở hông, cột sống và cổ tay, tuy nhiên xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi loãng xương. Loãng xương không phải là một loại bệnh truyền nhiễm.
       Việt Nam có hơn 2,8 triệu người bị loãng xương, trong đó phụ nữ chiếm 76%. Số người bị gãy xương do loãng xương là 170,000 người, trong đó có 25.600 trường hợp gãy xương hông. Người bị loãng xương hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương sẽ có nguy cơ gãy xương cao hơn hẳn so với những người khác.
       Mặc dù chứng loãng xương có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là ở người già, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi/ lớn tuổi.
 
Quá trình loãng xương diễn ra như thế nào
       Xương là tế bào sống.Trong suốt cuộc đời chúng ta, các tế bào xương cũ liên tục được thay thế bởi các tế bào xương mới thông qua hai quá trình hủy xương và tạo xương. Khi về già, quá trình hủy xương diễn ra nhiều hơn quá trình tạo xương vì vậy xương cũ bị mất đi nhiều hơn xương mới được thay thế.
       Cấu trúc bên trong xương thường trông giống như tổ ong. Khi một người mắc bệnh loãng xương thì những khoảng cách bên trong tổ ong này trở nên rộng hơn, cho thấy mật độ và độ chắc khỏe của xương đã bị giảm sút ("loãng xương" hay còn có nghĩa là "xương xốp"). Bề mặt của những chiếc xương dài –được gọi là vỏ xương - cũng bị mỏng đi và làm xương suy yếu hơn.
      Bắt đầu từ độ tuổi 30, mật độ xương của cơ thể ngừng tăng lên, muốn xương chắc khỏe thì cơ thể cần giữ được nhiều xương nhất trong thời gian dài nhất có thể. Ở hầu hết phụ nữ, tỉ lệ mất xương gia tăng vào những năm ngay sau thời kỳ mãn kinh, sau đó chậm dần lại nhưng vẫn tiếp diễn. Ở nam giới, quá trình mất xương diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên ở tuổi từ 65 hoặc 70 thì hầu hết nam giới và phụ nữ có tỉ lệ mất xương như nhau.
Xương yếu có thể dẫn đến gãy xương
     Bệnh loãng xương thường diễn ra "thầm lặng" bởi tình trạng loãng xương xảy ra mà không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào. Nhiều người có thể không biết rằng họ đang bị loãng xương cho đến khi đột ngột bị bong gân/ trặc xương, bị va chạm hoặc ngã khiến xương bị gãy. Tình trạng này có thể khiến họ phải nhập viện, phẫu thuật và có thể bị tàn tật.
       Gãy xương cột sống sẽ gây đau đớn và rất lâu lành. Người có xương cột sống yếu, chiều cao sẽ bị giảm dần và tư thế của họ trở nên bị gù. Theo thời gian, vẹo cột sống có thể khiến người đó khó khăn khi đi bộ, hay thậm chí là gập người.
       Xương hông bị gãy là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng khi chúng ta già. Chúng làm gia tăng đáng kể nguy cơ tử vong, đặc biệt là trong những năm sau khi xương bị gãy.
       Nhiều người bị gãy xương hông không thể lành được sau nhiều tháng hay thậm chí là nhiều năm. Những người này không thể tự chăm sóc bản thân nên cần đến sự trợ giúp của người khác như gia đình hoặc nhân viên y tế
Phòng ngừa và điều trị
       Tin tốt lành là bệnh loãng xương thường có thể phòng ngừa và điều trị được. Hãy lựa chọn lối sống lành mạnh như chế độ dinh dưỡng và thể thao hợp lý và các loại thuốc điều trị thích hợp có thể giúp phòng ngừa loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Imom.vn Dịch và hiệu chỉnh từ: 
Sức khỏe người cao tuổi- Viện sức khỏe Hoa Kỳ

 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot