Bệnh dị ứng thực phẩm ở trẻ em

Ngày 11/09/2017

Bệnh dị ứng thực phẩm ở trẻ em

BỆNH DỊ ỨNG THỰC PHẨM Ở TRẺ EM 
1.  Khái niệm

   Dị ứng thực phẩm có thể được định nghĩa là một “phản ứng miễn dịch xảy ra sau khi ăn một loại thực phẩm hay một chất phụ gia nhất định”. Dị ứng thực phẩm là một khái niệm trái ngược với thuật ngữ “không dung nạp thực phẩm”, chứng không dung nạp thực phẩm bao gồm bất cứ phản ứng nào của vùng bụng đối với một loại thực phẩm hay chất phụ gia nhất định.  
   Dị ứng có thể xảy ra sau khi ăn một lượng nhỏ chất gây dị ứng và không liên quan đến bất cứ ảnh hưởng về sinh lý nào của thực phẩm, chất phụ gia, hoặc nhiễm khuẩn chéo. Chất dị ứng phổ biến nhất dễ gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đó là protein sữa bò (CMP – Cow’s milk protein), protein đậu nành, cá, trứng và ngũ cốc. Những loại thực phẩm khác cũng có thể gây dị ứng bao gồm các loại hạt, đậu phộng và socola.
2.  Hậu quả của dị ứng thực phẩm ở trẻ em
Có bốn loại phản ứng quá mẫn có thể xảy ra đơn lẻ hoặc đồng thời gây nên phản ứng dị ứng.
         -  Loại I: Kháng nguyên IgE, phản ứng quá mẫn tức thời (phản vệ)
         - Loại II: Phản ứng quá mẫn do các độc tố cho tế bào
         - Loại III: Kháng thể IgG, phản ứng quá mẫn do phức hợp miễn dịch
         - Loại IV: Phản ứng quá mẫn qua tế bàotrung gian , tế bào T
Các triệu chứng dị ứng thực phẩm biểu hiện ở hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, da và toàn thân, ngoài ra còn có một số triệu chứng khác:
         - Triệu chứng ở hệ tiêu hóa: đau, sưng vùng bụng, tiêu chảy, kém hấp thu, chậm phát triển, chảy máu đường tiêu hóa, buồn nôn, nôn mửa, táo bón
         - Triệu chứng biểu hiện ở da: chàm/viêm da dị ứng; nổi mề đay, phù mạch, sưng môi, ngứa, nổi phát ban
         - Triệu chứng biểu hiện ở hệ hô hấp: hen suyễn, ho mãn tính, viêm mũi/chảy nước mũi, thở khò khè
         - Triệu chứng ở toàn thân/tổng thể: sốc phản vệ
         - Triệu chứng khác: đau đầu, thay đổi hành vi
3.  Khuyến nghị về dinh dưỡng và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bị dị ứng thực phẩm
Những ví dụ về chế độ ăn hạn chế:
Chế độ ăn không chứa bắp/ngô
   Chế độ ăn không chứa bắp/ngô là một sự cải biến trong chế độ ăn bình thường, loại bỏ những thành phần sau: ngô, tinh bột ngô, si-rô ngô, dầu ngô, kẹo ngô, bắp ngô và bỏng ngô. Những thành phần sau cũng có thể chứa ngô và cũng nên loại bỏ trong chế độ ăn: protein thực vật thủy phân (HPP - hydrolyzed plant protein), protein thực vật thủy phân (HVP - hydrolyzed vegetable protein), tinh bột (thường là tinh bột ngô nhưng có thể là lúa mì hay những loại rau củ khác, đối với những loại tinh bột này thì cũng không cần thiết phải loại bỏ).
Chế độ ăn không chứa trứng
   Chế độ ăn không chứa trứng là một sự cải biến trong chế độ ăn bình thường, loại bỏ những thành phần sau: albumin (một loại protein có trong trứng), lòng trắng trứng, lòng đỏ trứng, bột trứng, thức ăn đặc chứa trứng, một số chất phụ gia có chứa trứng, globulin (có thể là protein trứng), livetin, lysozyme (được sử dụng ở các nước phương Tây), mayonaise (được làm từ lòng trắng trứng và dầu), bánh trứng đường (được làm từ lòng trắng trứng và đường), ovalbumin (loại protein chủ đạo trong trứng), ovomucin, ovomucoid hay ovovitellin (đều là những từ để chỉ một loại protein có trong trứng), và Simplesse (một chất béo phụ gia được làm từ trứng hoặc protein sữa).
Các loại thực phẩm sau cũng là những nguồn chứa nhiều protein trứng:
         - Lòng trắng trứng hay albumin chứa hầu hết các loại protein này nhưng cũng nên tránh dùng lòng đỏ trứng.
         - Nhiều thực phẩm nướng có màu vàng hoặc láng bóng được làm từ trứng hoặc lòng trắng trứng.
         - Lòng trắng trứng thường được dùng như một chất làm trong nước luộc thịt cũng như súp. Luôn luôn hỏi đầu bếp khi đi ăn ở nhà hàng.
         - Vắc-xin phòng bệnh sởi, bệnh quai bị, và rubella có thành phần protein trứng.
         - Vắc-xin phòng cúm có chứa nhiều phôi trứng và có thể chứa một chút ít lượng protein trứng.
         - Lipid dùng để truyền tĩnh mạch sử dụng protein trứng như là một chất chuyển thể sữa
Chế độ ăn không chứa sữa
   Chế độ ăn không chứa sữa là một sự cải biến trong chế độ ăn bình thường, loại bỏ các thành phần sau: chất tạo mùi bơ, bơ, chất béo trong bơ, sữa bơ, casein (amoni, calo, magie, kali, natri), phô-mai, phô-mai làm từ sữa đã gạn kem, sữa đông, kem, bánh trứng, bánh pudding, bơ sữa trâu lỏng (loại bơ đã làm sạch), sữa thủy phân (casein, protein sữa, protein, nước sữa, protein nước sữa), lactoglobulin, đường lactose, sữa (phái sinh, protein, đặc, béo, váng), kem không sữa (kiểm tra casein), kẹo nu-ga, men dịch vị (sữa đông), kem chua, kem đặc chua, protein huyết thanh của sữa (không đường, không khoáng chất, chủ yếu là protein), và sữa chua.
   Những loại thực phẩm hoặc thành phần sau có thể chứa sữa cũng như protein sữa: hương liệu đường nâu, hương liệu ca-ra-men, sô-cô-la, bột mì có hàm lượng protein cao (nguồn protein có thể được gạn từ bột sữa), bơ thực vật (có thể chứa huyết thanh), hương liệu tự nhiên, và Simplesse (có thể được làm từ trứng hoặc protein sữa).
Chế độ ăn không chứa đậu phộng
   Đậu phộng là một loại cây họ đậu, không phải là một loại hạt. Quả đậu là những hạt mầm được bao bọc bởi lớp vỏ đậu bên ngoài, các loại quả đậu bao gồm đậu nành, đậu lima, hạt carop và nhãn hương. Những thành phần cần tránh đối với trường hợp bị dị ứng đậu phộng bao gồm dầu đậu phộng ép nguội, cây thân củ, hạt hỗn hợp, đậu phộng, bơ đậu phộng và bột đậu phộng.
   Những loại thực phẩm hay thành phần sau có thể chứa đậu phộng cũng như các chế phẩm từ đậu phộng: các món ăn từ Châu Phi, Trung Quốc và Thái Lan, thực phẩm nướng (bánh nướng, bánh quy,…), kẹo, sốt spaghetti và chili (có thể dùng bơ đậu phộng như một chất làm sệt), kẹo sô-cô-la, và bánh hạnh nhân (thường làm từ quả hạnh nhưng thường có thể trộn các loại hạt với nhau).
Chế độ ăn không chứa các loại hạt cây
   Hầu hết các loại hạt là những hạt mầm hoặc quả khô của cây. Chúng phát triển trên toàn thế giới phân loại theo hình dạng và kích cỡ khác nhau. Những người bị di ứng những loại hạt này nên tránh những thực phẩm có thành phần như sau: quả hạnh nhân, hạt Brazil, hạt điều, hạt phỉ, hạt cây gỗ mại châu, hạt mắc-ca, hạt hồ đào, hạt thông (hạt dẻ bách hương, hạt pinon, hạt Ấn Độ), quả hồ trăn, quả óc chó (đen và Ba Tư), Gianduja hay Nutella (một loại hỗn hợp kem sô-cô-la và các hạt nướng xắt nhỏ), bột nhão hạnh nhân, bơ hạt (hạnh nhân, hạt điều), dầu hạt và bột nhão từ hạt.
Chế độ ăn không chứa động vật có vỏ
   Động vật có vỏ có thể ăn được thường được chia thành hai loại đó là động vật thân mềm và loài giáp xác. Động vật thân mềm chẳng hạn như trai, sò có hai vỏ mai: bào ngư, loại này có một vỏ mai bao bọc phía trên và phía dưới mềm cũng được xem như một loại động vật thân mềm. Loài giáp xác có dạng cơ thể phân đoạn, được bao phủ bởi một phần giáp giống như lớp vỏ dày và mỏng (ví dụ, tôm hùm). Những trường hợp bị dị ứng động vật giáp xác nên tránh ăn những thành phần sau: các loại bào ngư, trai, cua (cua xanh Đại Tây Dương, cua lột, cua đá), tôm hùm, hàu, điệp, động vật thân mềm, tôm và sò.
Chế độ ăn không chứa đậu nành
   Chế độ ăn không chứa đậu nành là một sự biến đổi trong chế độ ăn bình thường, loại bỏ đậu nành và tất cả các chế phẩm từ đậu nành. Đậu nành là một loại quả đậu  và là một thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn của người Châu Á. Những người bị dị ứng đậu nành cũng nên tránh những thành phần sau đây: đậu nành Nhật Bản loại đậu nành rau củ xanh), protein đậu nành thủy phân, lecithin (chiết xuất từ dầu đậu nành và được dùng như một chất chuyển thể sữa), natto (lên men từ đậu nành nấu chín hoàn toàn), miso (một loại gia vị phong phú được dùng trong các món ăn Nhật Bản), đậu nành, nước tương (tamari, shoyu, teriyaki), đậu nành sợi (orka, cám đậu nành, đậu nành tách biệt sợi), bột đậu nành, đậu nành mảnh, sữa đậu nành, hạt đậu nành, mầm đậu nành, protein đậu nành, dầu đậu nành, tempeh (loại bánh ở Indonesia- bánh đậu nành béo, mềm), protein cấu trúc thực vật , đậu phụ (làm từ đậu nành đông lại) và yuba (được làm bằng cách gạn và làm khô lớp mỏng trên bề mặt của sữa đậu nành mát).
Chế độ ăn không chứa lúa mì
   Chế độ ăn không lúa mì là một sự cải biến trong chế độ ăn bình thường, loại bỏ các thành phần sau: vụn bánh mì, cám, tấm lúa mì, chiết xuất ngũ cốc, bánh quy, bột mì giàu gluten, tinh bột, bột mì, gluten (một loại protein trong lúa mì), bột graham (có thể là một hỗn hợp bột chứa lúa mì), matzo (bánh thánh), bột mì chứa hàm lượng gluten cao, bột mì chứa hàm lượng protein cao, gluten mạch nha, cám lúa mì, hạt lúa mì, gluten lúa mì, tinh bột lúa mì và bột mì nguyên cám.
4.  Dinh dưỡng điều trị: Chúng ta cần làm gì khi trẻ bị dị ứng thực phẩm
   Những trẻ dùng sữa bột có tỉ lệ mắc các triệu chứng dị ứng cao hơn những trẻ bú sữa mẹ, có thể nguyên nhân là do trẻ tiếp xúc sớm với protein sữa bò. Tuy nhiên, những trẻ bú sữa mẹ vẫn có thể bị dị ứng thực phẩm bởi các chất kháng nguyên lạ xâm nhập vào dòng sữa mẹ. Các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy và máu ẩn trong phân hoặc có máu tươi ở trong phân do dị ứng thực phẩm gây nên thường được gọi là viêm đại tràng dị ứng. Trực tràng và đại tràng bị sưng tấy do các phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào với các loại protein được nạp vào cơ thể. Protein sữa bò là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm đại tràng dị ứng. Thay đổi sữa dành cho trẻ sơ sinh hay loại bỏ các chất nghi ngờ gây dị ứng khỏi chế độ ăn của người mẹ thường sẽ mang lại kết quả giảm chảy máu trong vòng 72 tiếng đồng hồ; tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề thì thời lượng có thể kéo dài từ 4 đến 6 tuần lễ. Vì có 10 đến 50% trẻ sơ sinh bị dị ứng protein sữa bò cũng sẽ bị dị ứng protein đậu nành bởi vậy những trẻ bú bình bị viêm đại tràng dị ứng nên tiến hành điều trị với loại sữa chứa protein thủy phân hoàn toàn. Với trẻ sơ sinh không phản ứng với loại sữa thủy phân hoàn toàn thì có thể dùng sữa axit amin. Nếu trẻ sơ sinh được cho bú sữa mẹ thì người mẹ nên loại bỏ tất cả các loại protein và sữa khỏi chế độ ăn của mình. Trong trường hợp những triệu chứng viêm đại tràng đã khỏi thì với trẻ có biểu hiện những dấu hiệu không dung nạp, người mẹ có thể dần dần cho trẻ tiếp xúc lại với protein đậu nành. Trong một số trường hợp, người mẹ có thể cần phải hạn chế một số loại thực phẩm nhất định trong chế độ ăn của mình sau này. Những loại thực phẩm khác gây viêm đại tràng dị ứng là lúa mì, trứng, bắp, cá, hải sản và các loại hạt. Người mẹ đang cho con bú cần từ 300 đến 500g calo và 15 đến 20g protein mỗi ngày nên cần được chăm sóc, bổ sung đầy đủ để tránh hạn chế quá mức các loại thực phẩm trong chế độ ăn của người mẹ.
   Nhiều bệnh nhân nhi sẽ có khả năng bị dị ứng thực phẩm cao hơn khi ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi, ngoại trừ các trường hợp dị ứng đậu phộng, cá, động vật có vỏ và các loại hạt.
   Loại dị ứng với một thực phẩm riêng biệt, ngoại trừ dị ứng sữa thường không có nguy cơ dinh dưỡng đối với đa số trẻ em. Tuy nhiên, nếu từ hai loại dị ứng thực phẩm xảy ra đồng thời thì có thể gây trở ngại cho trẻ trong việc tiêu thụ một chế độ ăn đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng vi lượng và đa lượng. Đây là một vấn đề hết sức quan ngại đối với các bác sĩ nhi do đôi khi trẻ phải hạn chế ăn các loại thực phẩm đa dạng. Chuyên gia dinh dưỡng có thể đánh giá tình trạng của bệnh nhân để cung cấp những thông tin, hướng dẫn và gợi ý phù hợp để bổ sung dinh dưỡng khi một bệnh nhân nào đó phải thực hiện một chế độ ăn hạn chế do bị dị ứng thực phẩm.
   Những thông tin do chúng tôi cung cấp chỉ có giá trị tham khảo, không thay thế cho những tư vấn từ phía các bác sĩ và các nhân viên y tế. Ngoài ra, những lời khuyên chúng tôi cung cấp chỉ mang tính bổ sung, không đảm bảo hết các công dụng, hỗ trợ, phòng ngừa hay phản ứng phụ có thể xảy ra cho bệnh nhân nếu áp dụng. Những tư vấn của chúng tôi có thể cũng không bao quát hết được tình trạng sức khỏe cụ thể mà bệnh nhân đang mắc phải. Vì vậy, không nên trì hoãn hay bỏ qua việc đi khảm bác sĩ do bất cứ thông tin nào mà  imom.vn cung cấp. Độc giả nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng, ngừng lại hay thay đổi bất cứ một phác đồ điều trị nào và để xác định được tiến trình trị liệu phù hợp cho bản thân bạn.
 
Biên tập: Bs.Ths. Bùi Đại Thụ  
Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học

 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot