Ăn uống như thế nào để đề phòng thừa dinh dưỡng ở trẻ em

Ngày 11/09/2017

Ăn uống như thế nào để đề phòng thừa dinh dưỡng ở trẻ em

ĂN UỐNG NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐỀ PHÒNG THỪA DINH DƯỠNG Ở TRẺ EM

Một biểu hiện rõ rệt nhất của thừa dinh dưỡng là trẻ bị thừa cân - béo phì (TC-BP).
Nguyên nhân của TC- BP.
Khẩu phần ăn quá dư thừa: chế độ ăn giàu lipid hoặc năng lượng cao có liên quan chặt chẽ với sự gia tăng nhanh TC-BP. Khi vào cơ thể các chất protid, lipid, glucid đều có thể chuyển hoá thành chất béo dự trữ.  
Hoạt động thể lực kém: cùng với ăn uống, hoạt động thể lực ít như đi làm bằng xe mô tơ, làm việc tĩnh tại, xem TV nhiều, là yếu tố nguy cơ rất cao của TC-BP.
Tiền sử đẻ thấp cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi: người ta nhận thấy những trẻ đẻ thấp cân, trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi thì về sau dễ bị TC-BP, thể béo bụng.
Yếu tố kinh tế - xã hội:
         •  Ở các nước đang phát triển, từ nghèo chuyển sang khá giầu, thường gặp ở tầng lớp mới giầu.
         •  ở các nước đã phát triển thường gặp ở tầng lớp nghèo nhất là ở các khu ổ chuột.
         •  Yếu tố di truyền: trẻ ở các gia đình có bố/mẹ hoặc anh chị bị TC-BP có nguy cơ cao.
Hậu quả của thừa cân - béo phì
•  Tỷ lệ mắc bệnh tăng: béo phì ở trẻ em dẫn đến các hậu quả về tâm lý giao tiếp với mọi người, phát triển chức năng tâm lý xã hội kém, giảm kết quả học tap. Về lâu dài béo phì TE sẽ trở thành béo phì tuổi trưởng thành và liên quan tới tất cả các bệnh mạn tính không lây nguy hiểm, thường dai dẳng và rất khó
Xử trí:
         •  Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và kháng hóc môn tụy thường thấy ở trẻ em béo phì và rối loạn lipid máu xuất hiện liên quan tới tăng tích lũy mỡ ở bụng.
         •  Những thay đổi về nồng độ lipoprotein và lipid huyết thanh, huyết áp và hóc môn tụy huyết tương ở trẻ em béo phì kéo dài đến tuổi thanh thiếu niên. Tình trạng béo phì ở trẻ tại thời điểm ban đầu có liên quan đến sức khỏe khi trưởng thành.
         •  Các biến chứng gan ở trẻ béo phì, đặc biệt là nhiễm mỡ gan qua nồng độ transaminase huyết thanh tăng. Các men bất thường của gan cũng có thể liên quan với bệnh sỏi mật, nhưng hiếm gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
         •   Các rối loạn của dạ dày và thực quản ở trẻ em béo phì có thể là hậu quả của tăng áp lực trong ổ bụng do tăng tích mỡ ở bụng.
         •  Người ta cũng đã thấy một loạt các biến chứng khác ở trẻ béo phì bao gồm nghẽn thở khi ngủ và bệnh não, thậm chí ở những trường hợp nặng có thể gây tử vong. Bệnh não hiếm gặp liên quan đến tăng áp suất trong sọ não; đòi hỏi cần phải đến bác sĩ ngay lập tức.
Xử trí béo phì ở trẻ em
     Khác với người trưởng thành, mục tiêu điều trị béo phì trẻ em tập trung vào ngăn ngừa tăng cân, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự lớn lên và phát triển của đứa trẻ, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng: calci, sắt, kẽm, ...
Về ăn uống: khẩu phần ăn của trẻ cần cân đối, hợp lý, nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh chỉ ăn một loại thực phẩm nào đó.
         •  Nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.
         •  Chế biến thức ăn: hạn chế các món rán, xào, nên làm các món luộc, hấp, kho.
         •  Nên nhai kỹ và ăn chậm, ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói, trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích luỹ nhanh hơn.
         •  Nên ăn nhiều vào bữa sáng để tránh ăn vặt ở trường, giảm ăn về chiều và tối.
         •  Nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt.
         •  Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ
Đối với trẻ dưới 2 tuổi:
         •  Bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sau sinh.
         •  Không cho trẻ ăn nhiều quá, thể tích mỗi bữa phải phù hợp với tháng tuổi.
         •   Cháo, bột cần có mức năng lượng thấp, không cho thêm các thực phẩm nhiều béo vào bát bột, cháo của trẻ như: bơ, phomat, sữa giàu béo

 Những điều nên tránh:
         •  Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga, nhiều đường.
         •  Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem, sữa đặc có đường.
         •  Không nên dự trự sẵn các loại thức ăn giàu năng lượng như: bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocola, kem, các loại nước ngọt.
         •  Không nên cho trẻ ăn vào lúc tối trước khi đi ngủ.
Tăng cường cho trẻ hoạt động thể lực: so với điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khoẻ tốt. Các biện pháp giúp trẻ tăng cường vận động:
         •  Tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao. Các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động.
         •  Chú trọng những sở thích của trẻ tham gia các môn thể thao dễ dàng gần gũi với cuộc sống như: đi bộ đến trường, đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, đánh cầu lông, đá cầu, leo cầu thang...
         •   Nên hướng dẫn trẻ làm các công việc ở nhà: lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc...

Hạn chế ngồi xem tivi, video, trò chơi điện tử... Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.


Nguồn: "Ăn uống theo nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam",
Chủ biên PGS.TS Phạm Văn Hoan, Nhà xuất bản Y học, 2009

 

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot